chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Thêm những góc đánh giá đa chiều hơn
12:00 | 30/01/2015
Việt Nam được quốc tế đánh giá cao về kết quả giảm nghèo. Tuy nhiên, đã đến lúc phải thay đổi phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều.
Nghề thuốc nam giúp nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc Dao tại xã nghèo Ba Vì, huyện Ba Vì. Ảnh: Chiến Công
Chưa có sự thống nhất về số liệu
Các chỉ số thống kê cho thấy, năm 1993 (năm đầu tiên ngành thống kê tiến hành khảo sát mức sống dân cư), khi Việt Nam cơ bản ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tỷ lệ nghèo rất cao, chiếm tới quá nửa dân số. Ở khu vực nông thôn một số vùng như Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ còn chiếm tới 2/3, 3/4.
Sau khi coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, lương thực là trọng điểm số một, chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, công cuộc “xóa đói giảm nghèo” được đẩy mạnh…, tỷ lệ đói nghèo đã giảm tương đối nhanh, hiện chỉ còn dưới 10%. Kết quả này được thế giới đánh giá rất cao. Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, thỏa mãn, bởi việc giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn nhiều và rất dễ rơi trở lại hộ nghèo; chuẩn nghèo và phương pháp để xác định hộ nghèo cần được chuẩn hóa.
Về chuẩn nghèo, mặc dù mức nghèo (tính theo thu nhập bình quân đầu người một tháng) đã có nhiều lần thay đổi, nhưng vẫn chưa phù hợp. Và việc xác định thu nhập của ngành LĐTB&XH chưa tính theo mức độ trượt giá hàng năm. Chính vì thế, theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước năm 2011 còn 11,76%, năm 2012 còn 9,6%, năm 2013 còn 7,8%. Phải chăng tỷ lệ nghèo giảm nhanh ngoài sự nỗ lực phấn đấu, có một phần do cách tính chuẩn nghèo bị thấp như trên.
Không chỉ bị thấp khi chưa tính chuẩn nghèo tăng theo biến động giá mà còn hẹp theo nhu cầu tiêu dùng. Chuẩn nghèo cũ được xác định dựa trên mức thu nhập, tức là tính trên tình trạng nghèo về lương thực, thực phẩm, tức là “nghèo đơn chiều”, mà chưa xét đến các thiếu hụt về nhu cầu cơ bản khác - còn được gọi là “nghèo đa chiều” (như y tế, giáo dục, nhà ở, việc làm, thông tin…).
Phương pháp xác định hộ nghèo còn có sự khác nhau giữa ngành thống kê với LĐTB&XH. Ngành LĐTB&XH là ngành quản lý, điều hành, nên cần phải biết địa chỉ hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, hộ nghèo thường phải thông qua “bình xét”, đã “bình xét” thì dễ bị cảm tính. Trong khi ngành thống kê dựa trên khảo sát mức sống của hộ dân cư, có 4 điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, từ số hộ đại diện (điều tra mẫu) để suy rộng ra toàn bộ sẽ có sai số toán học tất yếu không thể tránh khỏi. Thứ hai, chỉ suy rộng ra tỷ lệ hộ nghèo, không thể và không được phép (theo nguyên tắc cơ bản của điều tra thống kê là không được để lộ thông tin về từng tổ chức, cá nhân). Thứ ba, chỉ đủ lực lượng và kinh phí điều tra cho một số lượng hộ nhất định, nên chỉ rải mẫu và suy rộng đến cấp tỉnh, không thể suy rộng ra cho cấp huyện, cấp xã. Thứ tư, việc chọn hộ điều tra nếu không tương đối cố định thì không bảo đảm sự so sánh. Nhưng nếu tương đối cố định thì có thể rơi vào những nơi mới tăng thu nhập vì lý do khách quan (như mới có đường giao thông, mới có nhà máy, mới trở thành ven đô được đền bù đất đai do thu hồi…), nên việc suy rộng cho thành thị, nông thôn… sẽ khó chính xác.
Số liệu càng rộng, đánh giá mới càng chính xác
Để khắc phục một phần những hạn chế nêu trên, cần có sự thay đổi về chuẩn nghèo và phương pháp xác định hộ nghèo.
Về chuẩn nghèo, cần mở rộng việc xác định từ hộ nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều. Ngoài thu nhập bình quân đầu người (có tính đến trượt giá), cần có thêm các chiều về y tế (bao gồm cả khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế); về giáo dục (bao gồm giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em); về nhà ở (bao gồm cả nước sạch, nhà vệ sinh); về việc làm; về tài sản phục vụ tiếp cận thông tin (từ một chiều sang 6 chiều), với khoảng 11 chỉ tiêu. Về phương pháp xác định hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo cũng cần có sự phân biệt.
Việc xác định hộ nghèo vẫn do ngành LĐTB&XH tiến hành, nhưng chỉ để xác định địa chỉ để thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo; không sử dụng để xác định tỷ lệ nghèo của cả nước hay từng tỉnh. Phương pháp xác định không nên dựa vào bình xét, mà dựa vào chấm điểm. Có thể chia làm 3 loại hộ nghèo đa chiều: Hộ nghèo đa chiều nghiêm trọng gồm những hộ thiếu từ 1/2 (50 điểm) nhu cầu cơ bản trở lên; Hộ nghèo đa chiều gồm những hộ thiếu từ 1/3 - 1/2 (33 - 49 điểm) nhu cầu cơ bản; Hộ cận nghèo đa chiều gồm những hộ thiếu từ 1/5 - 1/3 (từ 20 - 32 điểm) nhu cầu cơ bản.
Thời gian điều tra, chấm điểm và xác định hộ nghèo sẽ không làm hàng năm mà cứ 5 năm làm 2 lần: Cuối 5 năm trước (để làm gốc so sánh cho kế hoạch 5 năm); giữa 5 năm này (vào năm thứ 2 hay thứ 3) và cuối 5 năm này (để đánh giá kế hoạch 5 năm). Bên cạnh đó cần có sự phối hợp để thống nhất số liệu. Trong khi ngành LĐTB&XH xác định địa chỉ hộ nghèo cụ thể thì ngành thống kê công bố tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo 3 loại) để phục vụ việc đánh giá chung.
Giảm tỷ lệ nghèo là một trong 5 đỉnh của “ngũ giác mục tiêu” (tăng trưởng cao, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít, tỷ lệ nghèo giảm). Đây cũng còn là định hướng của nền kinh tế Việt Nam. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã có Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó đã chỉ rõ: Xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm đời sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản.