chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Tổ quốc, nhân dân mãi ghi ơn những người lính Gạc Ma anh hùng
12:00 | 15/03/2014
26 năm đã trôi qua, nhưng tổ quốc, nhân dân mãi ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ; nơi hậu phương, người thân của họ vẫn còn đó niềm tiếc thương vô hạn.
Gian nan cuộc sống sau cuộc chiến
Vậy là đã 26 năm (14/3/1988 – 14/3-2014) từ sau trận hải chiến Gạc Ma với Trung Quốc. 64 người đã hy sinh, 6 người may mắn còn sống, và trong họ, vẫn vẹn nguyên ký ức đau thương, hào hùng năm nào.
Chúng tôi gặp cựu binh Lê Hữu Thảo hiện đang ở trọ tại TP. Hà Tĩnh, người đã cam đảm đối mặt với lính Trung Quốc để tìm kiếm và đưa hai anh hùng Trần Văn Phương và Nguyễn Văn Lanh trong trận hải chiến Gạc Ma về đảo Sinh Tồn.
Cuộc sống còn khó khăn, nhưng ông Thảo, một người lính Gạc Ma năm xưa vẫn cố tìm mọi cách để giúp đồng đội mình |
Trở về quê hương sau những năm bảo vệ biển đảo tổ quốc và trải qua trận hải chiến Gạc Ma, ông Thảo đã lập gia đình với một người phụ nữ ở miền Bắc. Nhưng cuộc hôn nhân của ông gặp nhiều sóng gió và chia ly đôi ngả khi cả hai có với nhau một đứa con. Nay người con trai của ông và người phụ nữ đó cũng đã 14 tuổi.
Nhưng ông cũng đau đáu một nỗi buồn. Bởi ngoài anh Nguyễn Văn Lanh được phong anh hùng thì nay đồng đội nào của ông cũng gặp khó khăn, bệnh tật. Có thời gian ông lại tìm mọi cách để quyên góp ủng hộ cho gia đình các đồng đội cũ của mình.
Cuộc sống vất vả nhưng với ông Trường chưa bao giờ hình ảnh trận hải chiến Gạc Ma nguôi ngoai trong tâm trí ông |
Còn Phạm Xuân Trường (trú tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) người lính Gạc Ma năm xưa tình cảnh cũng không khấm khá hơn. Sau khi trở về từ quân ngũ ông Trường lập gia đình có ba đứa con. Nay ông vẫn hàng ngày làm thợ phụ hồ để phụ giúp gia đình. Hai con trai của ông cũng nối gót ông tham gia quân ngũ. Xuất ngũ, hai con trai ông cũng đang đứa Bắc kẻ Nam, làm thêm gửi tiền phụ giúp bố mẹ.
Đón con, đón chồng “về” sau 21 năm
Những người lính của trận hải chiến Gạc Ma năm nào trở về đó là niềm vui hạnh phúc. Nhưng còn đó những người thân của các liệt sỹ Gạc Ma năm xưa. Những người mẹ già, người vợ đã khóc cạn nước mắt khi nhận được giấy báo tử của chồng, của con mình.
Mỗi khi nói về đưa con trai liệt sĩ Đậu Xuân Tư mẹ Nhơn lại rơi nước mắt thương nhớ |
Chúng tôi về xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An tới thăm nhà liệt sỹ Đậu Xuân Tư, một trong số các chiến sỹ đã hy sinh trong trận đánh Gạc Ma năm xưa. Người mẹ già Nguyễn Thị Nhơn năm nay đã ngoài tám mươi không kìm nổi nước mắt khi nói về người con trai của mình. Người cha già của liệt sỹ này cũng đã ngoài 90. Trước anh Tư, một con trai của hai vợ chồng cụ Nhơn đã hy sinh tại chiến trường miền Nam. Hai người con khác mất do ốm đau và tai nạn không may. Nhà có 5 người con thì nay còn có một người con trai út.
Năm 1988 trên đường vào Nam do không kịp báo gia đình nên anh đã viết một lá thư, khi đi qua địa phận nhà mình, anh đã ném xuống đường mong ai đó nhặt được đưa cho bố mẹ. Thật may mắn, một người dân đã nhặt được, đọc địa chỉ và đưa đến cho ôn bà Nhơn. Nhưng đó cũng lá thư cuối cùng anh viết cho gia đình trước lúc anh hy sinh. 3 năm trong quân ngũ, anh Tư không một lần về thăm gia đình mà chỉ liên lạc qua thư.
Mẹ Linh (mẹ liệt sỹ Hồ Văn Nuôi) đau đớn khi kể về chuyện người chồng của mình xót con hy sinh nơi đảo xa mà sinh bệnh |
Mãi đến khi vào tuổi cổ lai hy, ông bà mới được an ủi phần nào nỗi đau mất con khi năm 2009 gia đình đã nhận được biên bản giám định hài cốt của anh Tư. Trước đó, vào ngày 10/8/2008 Quân chủng Hải quân phát hiện một xác tàu vận tải quân sự bị đắm ở khu vực quần đảo Trường Sa ở độ sâu 21m, cách phía nam đảo Cô Lin của ta 3,72 hải lý và cách phía tây đảo Gạc Ma do Trung Quốc chiếm giữ trái phép 1 hải lý. Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhận định, xác tàu vận tải quân sự bị đắm nói trên là tàu HQ-604 của Lữ đoàn 125 Hải quân đã bị chìm trong cuộc chiến đấu với Hải quân Trung Quốc ngày 14/3/1988. Có 56 liệt sĩ hy sinh trên tàu HQ-604 khi tàu bị chìm chưa kịp thoát ra ngoài nên hài cốt còn lại trong tàu... Từ đó thi hài của các liệt sỹ được đưa đi giám định và trong đó có liệt sỹ Tư.
Ở một hoàn cảnh tương tự, cha của liệt sỹ Hồ Văn Nuôi (quê Nghi Yên, hyện Nghi Lộc, Nghệ An) vì thương nhớ con đến lú lẫn cả người.
Vợ liệt sỹ Phan Huy Sơn đã khóc khi kể lại bức thư cuối của chồng mình gửi về chỉ và ngày trước lúc hy sinh |
Cuộc sống gia đình đông anh chị em nơi vùng đất biển khó khăn của xã Nghi Yên, nên năm 1967 anh Nuôi đã nghỉ học đi biển để giúp đỡ bố mẹ. Rồi năm đó anh nhận được giấp nhập ngũ và anh đã hăng hái lên đường tòng quân khi tuổi đời chưa tròn 20.
Đến năm 1992 ông nói “thằng Nuôi đang đi làm ăn xa lâu không thấy về để tôi đi tìm nó” rồi ông bỏ nhà đi tìm con. Và rồi ông đã mất khi mà nỗi đau mất con vẫn còn trong từng câu nói của ông ở nơi cách nhà đến vài trăm cây số.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà liệt sỹ Phan Huy Sơn tại xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An, gặp chị Trần Thị Ninh (vợ liệt sỹ Phan Huy Sơn) mắt chị đỏ nhòe vì nước mắt rơi khi nhớ đến người chồng đã hy sinh.
Anh chị lấy nhau năm 1981 thì đến 1982 anh Sơn tham gia quân ngũ. Mãi đến tận hai năm sau, trong một lần về thăm gia đình 2 vợ chồng mới có với nhau được “giọt máu đào”. Khi ở nơi đảo xa nghe vợ báo tin anh Sơn rất vui mừng nhưng cũng chỉ biết gửi thư về thăm hỏi.
Năm 1988 anh Sơn được về thăm quê lần nữa, nhưng chưa kịp điền viên vui với vợ con thì anh đã được gọi trở lại đơn vị mặt gấp. Đến tháng 3/1988 trong khi nghe đài thì hay tin có tàu của hải quân Việt Nam bị đắm chị Ninh đã nghĩ đến chuyện chẳng lành với chồng mình. Nhưng đến ngày 9/3 chị lại nhận được lá thư của anh Sơn viết gửi cho chị mấy ngày trước khi hy sinh lại khiến chị ấp ủ hy vọng. Trong lá thư cuối này anh Sơn còn dặn dò có gửi về mấy bưu kiện quà cho vợ, con và tiền cho bố mẹ.
Chúng tôi chưa có đủ thời gian để tìm gặp lại những người chiến sỹ dũng cảm còn sống, cũng như thân nhân các anh hùng liệt sỹ. Các anh đã hy sinh anh dũng vì sự bình yên, chủ quyền của biển đảo tổ quốc. Mọi người mãi ghi ơn họ và những gì họ đã cống hiến luôn được tổ quốc ghi ơn.
Theo GDVN