chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Tôi phản đối “cái chết nhân đạo”
12:00 | 27/04/2015
Việc Bộ Y tế mới đây cho biết đang cân nhắc đề xuất đưa quyền được chết vào dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi – trên cơ sở lập luận rằng với những trường hợp bệnh nhân không thể cứu chữa, phải chịu đau đớn thể xác từng ngày, từng giờ, hoặc những người sống đời thực vật… có thể tự mình hoặc thông qua thân nhân đề nghị bác sĩ giúp đỡ để ra đi một cách nhẹ nhàng – đã gây ra nhiều tranh luận, đặc biệt là trong giới bác sĩ và luật sư.
Cái chết nhân đạo có thực sự là lối thoát cho bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối? Ảnh minh họa: TL. Trên các tờ báo trong nước, không ít bác sĩ cho rằng “cái chết nhân đạo” trong nhiều trường hợp là cần thiết, trong khi lại có khá nhiều luật sư thật sự băn khoăn về đề xuất này, và cho rằng nếu được luật hóa, quyền an tử rất có thể bị lạm dụng để tước đi quyền được sống của người bệnh. Nhiều bác sĩ, những người trực tiếp chứng kiến sự tuyệt vọng nơi bệnh nhân mắc các bệnh nan y và thân nhân của họ, cho rằng “cái chết nhân đạo” mở ra lối thoát cho cả bệnh nhân lẫn người thân của họ, và nên áp dụng nếu luật pháp và quy trình đủ chặt chẽ. Trong khi đó, đây chính là điểm mấu chốt gây băn khoăn cho đa số các luật sư, những người hiểu rõ hơn ai hết khuôn khổ luật pháp hiện hành trong nước. Họ cho rằng rất có thể xảy ra các trường hợp thân nhân của người bệnh vì mệt mỏi và cùng quẫn muốn “khai tử” người thân của mình trái với ý muốn của bệnh nhân. Bên nào cũng có cái lý đầy tính thuyết phục của mình, và đây là một vấn đề gây rất nhiều tranh cãi, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, cho dù có những “làn sóng” ủng hộ quyền được chết, có thể thấy rằng bao trùm trên tất cả vẫn là sự dè dặt trước sinh mệnh con người. Cho đến nay, mới chỉ có Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ và năm bang của nước Mỹ là những nơi cho phép thực hiện “cái chết nhân đạo.” Nhưng, “cái chết nhân đạo” có thật sự nhân đạo? Với trường hợp thứ nhất là những người phải sống đời thực vật, việc khai tử họ thông qua ý chí của thân nhân là tước đi của họ quyền được sống, một quyền căn bản mà luật pháp của bất cứ nước nào cũng bảo vệ. Tôi không rõ liệu có một công trình nghiên cứu nào có thể minh định một cách tuyệt đối rằng những người sống đời thực vật không còn một chút ý thức nội tại nào nơi họ, hay khoa học chỉ có thể chứng minh rằng họ mất ý thức đối với thế giới bên ngoài. Đó là chưa kể có những trường hợp một số người sống đời thực vật sau nhiều năm bỗng dưng phục hồi ý thức. Do vậy, việc tiêm thuốc cho họ chết là một hành vi phi nhân, ít hay nhiều. Với trường hợp thứ hai là những người mắc bệnh nan y mà khoa học “bó tay”, việc họ đồng ý hay đề nghị bác sĩ trợ giúp để được chết cũng cần xem xét lại ngay dưới lăng kính khoa học. Trong cơn đau đớn tột cùng, bệnh nhân thông thường rơi vào tình trạng quẫn trí, không còn đủ minh mẫn, không làm chủ được suy nghĩ của mình nên không thể xem quyết định của họ là một quyết định sáng suốt. Lẽ nào các bác sĩ có thể cam tâm đồng ý với các quyết định thiếu sáng suốt của bệnh nhân? Cũng giống như trường hợp thứ nhất, đã có không ít bệnh nhân mắc bệnh nan y được bác sĩ cho về nhà chờ chết bỗng dưng phục hồi sức khỏe và hết bệnh. Vậy thì có phi nhân không nếu khai tử họ? Từ hàng ngàn năm trước khi y học còn rất kém phát triển – và có lẽ cũng chưa có các loại thuốc giảm đau hiệu quả - thì người xưa cũng đã không chấp nhận “cái chết nhân đạo” thông qua Lời thề Hippocrates. Lời thề này buộc các thầy thuốc phải tuân thủ có câu “Tôi sẽ không đưa một loại thuốc chết người cho bất cứ ai khi được yêu cầu, và cũng không đưa ra một lời gợi ý theo hướng này” (I will neither give a deadly drug to anybody if asked for it, nor will I make a suggestion to this effect). Tôi chợt nhớ đến “Ước mơ của Thúy”, một cô gái qua đời khi mới 19 tuổi sau khi trải qua bốn đợt di căn, phải cắt cụt một chân đến xương tọa, nhưng đã sống một cuộc sống đầy nghị lực và ý nghĩa cho đến giờ khắc cuối cùng trong tinh thần lạc quan. Và còn khá nhiều tấm gương như thế, những người đã sống trong nghịch cảnh, đương đầu với bệnh tật, và truyền cảm hứng sống cho những người khác. Chính ý chí, nghị lực sống của những người này – những con người không hề có ý định tránh né cuộc sống bằng cách sử dụng quyền được chết – đã trở thành lý do để cho nhiều con người tuyệt vọng tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Chưa xét đến các lý do tôn giáo hay đạo đức, mà chỉ xét đến các yếu tố thuần lý, thì nhân đạo là phải bảo vệ sự sống, và đây phải là điều có tính nguyên tắc. Cái chết nhân đạo chỉ có thể là cái chết tự nhiên, không phải cái chết được trợ giúp. Cái chết được trợ giúp là một hình thức tự tử về phía bệnh nhân, và là một hành vi giết người về phía bác sĩ. Đã có không ít bác sĩ trên thế giới phải ra trước tòa án vì trợ giúp cho bệnh nhân thực hiện quyền được chết của mình. Theo Saigon times.