Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Việt Nam có tốc độ lão hóa dân số nhanh

12:00 | 24/11/2015

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn lão hóa dân số kể từ năm 2011, và thời gian chuyển đổi từ giai đoạn “lão hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ mất khoảng từ 17 – 20 năm, ngắn hơn nhiều so với những quốc gia có trình độ phát triển cao hơn.

 

Đó là thông tin đưa ra tại hội thảo hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số diễn ra ngày 23-11 tại TPHCM.

Theo bác sĩ Mai Xuân Phương thuộc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mức sinh và mức chết giảm nhanh, cộng với tuổi thọ của người Việt Nam tăng nhanh, là những nguyên nhân chính dẫn đến lão hóa dân số ở Việt Nam.

Nếu như những nước phát triển mất hàng chục năm, thậm chí cả thế kỷ để chuyển từ giai đoạn lão hóa dân số sang dân số già, thì Việt Nam chỉ mất từ 17 – 20 năm. Tuổi thọ còn lại của nhóm dân số ở độ tuổi trên 60 ở Việt Nam cũng tương đương với các nước phát triển, là khoảng 21,5 năm, và có xu hướng ngày một tăng. Dự đoán đến năm 2050, Việt Nam sẽ có dân số “siêu già”.

Tuy tỉ lệ người cao tuổi ở Việt Nam khá cao, nhưng có tới trên 70% người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình. Chỉ có khoảng 25% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.

Trên 72% người cao tuổi đang sống cùng con cháu, trong khi đó, xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Đồng thời, tỷ lệ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, sản xuất gặp khó do thiên tai dịch bệnh nên đời sống người cao tuổi vì thế cũng gặp nhiều khó khăn, và cộng thêm cả nghèo đói và bệnh tật, tình trạng lão hóa dân số đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải cho xã hội.

Theo ông Phương, tỷ lệ người cao tuổi hiểu biết về quyền lợi và trợ cấp dành cho họ không cao. Khoảng 30% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, 50% không đủ tiền chi trả điều trị bệnh tật.

“Hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện chưa có các bệnh viện chuyên chữa bệnh cho người cao tuổi," ông Phương nhấn mạnh.

Ông Phương cho rằng, hiện nay nhận thức và sự quan tâm của xã hội đối với cộng đồng người cao tuổi chưa cao. Một bộ phận còn có quan niệm rằng người cao tuổi là gánh nặng, trong khi cần phát huy lợi thế của người già để nâng cao vai trò của họ trong sự phát triển của cộng đồng.

Đồng thời, cần có chiến lược dài hạn làm chậm lại quá trình "lão hóa dân số", duy trì mức sinh thấp hợp lý. “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi” cũng là thông điệp của ngày Dân số Việt Nam 26-12 năm nay.

Theo Saigontimes.

undefined