chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Vùng nông thôn Nhật Bản: đường phố vắng tanh, nhiều tòa nhà bị bỏ hoang, nhiều ngôi làng đang dần biến mất
12:00 | 05/07/2019
Nguyên nhân không chỉ từ già hóa dân số
Khi Hisaaki Nakajima ứng cử chức thị trưởng thị trấn Imabetsu (nằm phía cực bắc của Honshu, một trong 4 hòn đảo chính của Nhật Bản), ông nói rằng mình đã nhìn thấy trước viễn cảnh về một thị trấn 2.000 dân cư. Điều đó có vẻ nghe có vẻ kỳ quặc, vì tại thời điểm đó là năm 2007, Imabetsu đã có 2.700 người. Nhưng con số này đang giảm đi một cách nhanh chóng. Kể từ khi ông Nakajima nhậm chức, dân số đã giảm khoảng 150 người, tương đương 6%. Ngay cả vào một ngày mùa xuân dễ chịu, đường phố cũng vắng tanh; rất nhiều tòa nhà bị bỏ hoang. Một tiệm pachinko lớn ở lối vào thị trấn nằm giữa đống đổ nát. Nhiều làng mạc và thị trấn trên khắp Nhật Bản đã biến mất trong vài thập kỷ gần đây do sự di cư ồ ạt tới các thành phố lớn. Từ năm 2011, tổng dân số quốc gia cũng đã giảm, cụ thể năm ngoái giảm 450.000 người. Hai xu hướng này đều đang dẫn đến giảm dân số ở khu vực nông thôn: trong khi toàn Nhật Bản sẽ mất đi 16% dân số từ năm 2015 đến 2045, dân số của quận Aomori (nơi có thị trấn Imabetsu) sẽ giảm 37%, theo đánh giá Viện Dân số Quốc gia và Nghiên cứu an sinh xã hội (nipssr) Những con số chỉ nói lên một phần câu chuyện. Khoảng 2/3 trong tổng số 150 người chuyển đi từ khi ông Nakajima nhậm chức là những người trẻ tuổi mong muốn tìm kiếm một nền giáo dục mới hoặc công việc tốt hơn (công việc ở Imabetsu chủ yếu là trồng trọt và đánh bắt cá). Youto Komura, 27 tuổi, làm việc tại tòa thị chính, cho biết chỉ có sáu trong số 40 bạn học của anh vẫn sống ở Imabetsu. Chỉ một trong số bốn người con của thị trưởng Nakajima ở lại trị trấn; còn những người còn lại đã chuyển đến Tokyo, Sapporo và Aomori. Sự suy giảm dân số đáng báo động ở Nhật Bản, đặc biệt ở các vùng nông thôn (Theo The Economist) Ông Hiroya Masuda, tác giả của một nghiên cứu về sự suy giảm dân số đáng báo động ở nông thôn cho biết tỷ lệ dời đi ở nữ lớn hơn rất nhiều so với nam giới. Ông cho rằng: "Rào cản và định kiến đối với phụ nữ trong công việc và đời sống hiện hữu ở khắp mọi nơi, nhưng ở nông thôn, vấn đề này thậm chí còn nặng nề hơn cả". Tại văn phòng tại các vùng nông thôn, công việc của phụ nữ thường là rót trà; trong khi đó ở Tokyo, họ có cơ hội tiếp cận và hoàn thành nhiều công việc thực sự hơn. Xu hướng này của những người trẻ kết hợp với việc tuổi thọ vốn đã cao và tiếp tục tăng của người Nhật dẫn đến sự áp đảo về tỷ lệ người già ở những vùng xa xôi. Hơn 37% những người sống trong các khu vực có tỷ lệ dân cư giảm là người già trên 65 tuổi, cao hơn khoảng mười phần trăm so với tỷ lệ này trên cả nước. Imabetsu được đánh giá là thị trấn có tỷ lệ người trên 65 tuổi cao nhất ở Aomori khi chiếm khoảng một nửa dân số thị trấn. Theo Viện nghiên cứu Quốc gia và An sinh xã hội, chính vì sự "bùng nổ trẻ sơ sinh" không còn mạnh mẽ như trước dẫn đến sự suy giảm dân số ở các vùng nông thôn ngày càng lớn. Năm 2014, ông Masuda dự đoán 896 trên tổng số 1.700 thành phố của Nhật Bản sẽ bị tuyệt chủng vào năm 2040. Hiện tại ông đã để con số này là 929. Trong 5 năm tới 2016, theo tính toán của chính phủ, 190 địa phương đã biến mất khỏi bản đồ (mặc dù một số trong đó đã không còn ai sinh sống sau động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân năm 2011). Tác động của việc suy giảm dân số ở khu vực nông thôn là quá rõ ràng. Imabetsu không còn siêu thị, nhà hàng, quán cà phê, tiệm ăn nhanh hay cả những cửa hàng tiện lợi ở ngoại ô thị trấn. Người dân cho biết vào những năm 1980, có hàng chục cửa tiệm bán đồ ăn trưa. Còn bây giờ, người dân thị trấn phải lái xe đi nơi khác hoặc chờ đợi những chuyến xe tải chở rau chỉ thỉnh thoảng mới ghé qua. Có ba trường học, tuy vậy mỗi trường chỉ có khoảng 30 đến 40 em. Từ tháng mười năm nay một trong số đó sẽ ngừng nhận học sinh mới. Ông Nakajima cho rằng" "Điều này thật không tốt cho những đứa trẻ". Chúng cần cộng đồng, cần sự cạnh tranh, và một môi trường lành mạnh. Ở những vùng suy giảm dân số, sĩ số học sinh trung bình tại các trường tiểu học là 118, trong khi con số này ở các vùng khác là 320. Những khu vực như vậy cũng có ít bác sĩ nhi khoa và bác sĩ sản khoa hơn mức trung bình. Chính phủ Nhật Bản rất muốn nâng tỷ lệ sinh từ 1,4 lên con số 1,8. Vì vậy, họ đang cố gắng hỗ trợ các hộ gia đình nhiều hơn, ví dụ như miễn phí dịch vụ bảo mẫu. Làn sóng di cư từ nước ngoài trở nên mạnh mẽ hơn, song không đủ để bù đắp cho sự suy giảm dân số bản địa, và dù sao, chính phủ khẳng định sẽ không để họ nhập cư vĩnh viễn ở quốc gia này. Hơn nữa, những người nhập cư, như chính những người dân Nhật, cũng thích sống ở các thành phố lớn hơn. Những sáng kiến có một không hai Các khu vực suy giảm dân số đang cố gắng tập trung vào việc đưa mọi người từ nơi khác ở Nhật Bản đến đó. Họ không chỉ khuyến khích mọi người quay trở về nông thôn sống và làm việc mà còn thuyết phục mọi người từ các thành phố lớn đến. Nhiều gia đình cung cấp nhà ở miễn phí và các khoản trợ cấp khác để thu hút những người trẻ tuổi. Imabetsu cung cấp bữa trưa miễn phí tại trường và miễn phí điều trị ung thư. Nhưng những giải pháp này cũng không đem lại hiệu quả đáng kể (và hoàn toàn không có hiệu quả ở Imabetsu). "Chính phủ sẽ không bao giờ thay đổi được sự suy giảm dần đều về mặt nhân khẩu học tại những vùng này", giáo sư Peter Matanle từ Đại học Sheffield tại Anh nói. Tất nhiên vẫn có một số chiến dịch thành công hơn. Quận Tokushima đã thu hút các công ty chuyển tới bằng cách thiết lập hệ thống kết nối internet nhanh. Nhưng theo Karen Makishima, một cảnh sát ở tỉnh Kanagawa cho rằng: các thị trấn muốn những người chuyển tới sẽ định cư vĩnh viễn. Nhưng nhìn chung Nhật Bản đang suy giảm dân số, vì vậy nếu chúng ta di chuyển dân cư từ vùng này sang vùng khác, thì những nơi còn lại vẫn thiếu người. Cô cho rằng giải pháp ở đây là thúc đẩy du lịch nội địa và quốc tế, vốn đang phát triển mạnh mẽ. Để làm được, cô đang cố gắng khuyến khích mọi người mua nhà nghỉ dưỡng trong vùng cô sống hoặc đến khích lệ họ đến tham quan thường xuyên, một phần bằng cách tạo mối quan hệ giữa du khách và người dân địa phương. Các hòn đảo của biển nội địa Seto, ở phía đông nam Nhật Bản là một mô hình cho loại sáng kiến này. Du khách tới đó rất đông để thưởng thức những tác phẩm mới về nghệ thuật sắp đặt. Bởi không có điều kiện tốt như vậy, chính quyền địa phương ở Imabetsu đang phải vật lộn nhằm chi trả cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác. Tổng ngân sách là 2,4 tỷ yên (223 triệu USD) một năm. Chỉ một nửa trong số đó đến từ chính phủ một cách thường xuyên, dù khoản tiền này chỉ đủ bù đắp sự thiếu hụt. Doanh thu từ thuế địa phương đã giảm dần trong nhiều năm và hiện chỉ mang lại 200 triệu yên mỗi năm. Thị trấn đã có lúc phải dùng đến các khoản vay, ông Nakajima nói, nhưng chi phí cho việc trả nợ chỉ làm tăng thêm các vấn đề về tài chính trong thời gian dài. Chính phủ trung ương đã cố gắng giúp đỡ những nơi như Imabetsu, không chỉ bằng cách tăng ngân sách nhằm "hồi sinh" các khu vực này, mà còn thông qua một kế hoạch gọi là "furusato nozei", cho phép người nộp thuế gửi một tỷ lệ thuế cho địa phương mà họ lựa chọn, thay vì nộp cho chính nơi họ sống (các thị trấn và làng mạc cạnh tranh để lấy tiền mặt này bằng cách tặng lại những món quà, chẳng hạn như rượu sake hoặc cá khô). Mục đích của việc này là để người di cư từ khu vực nông thôn đến các thành phố để có thể chuyển tiền về quê hương của họ. Tuy nhiên, các thị trấn nhỏ đang phải cắt giảm. Ở một số khu vực, chính quyền địa phương đang cố gắng liên kết các dịch vụ trong một thị trấn, nhằm cung cấp dịch vụ vận chuyển đến các thị trấn và làng khác theo mô hình "hub and sopke" - một phát kiến về ngành chuyển đổi vận tải và phân phối. Những người khác đang xem việc chia sẻ đi xe như một cách để giảm bớt áp lực hoặc thay thế phương tiện giao thông công cộng. Các doanh nghiệp tư nhân như cửa hàng tiện lợi và bưu điện, theo luật pháp phải có cơ sở ở những nơi xa, cũng đang được sử dụng để cung cấp dịch vụ công cộng. Công nghệ có thể trợ giúp rất nhiều. "Thật là tuyệt vời khi nhận được một chiếc pizza từ máy bay không người lái ở Tokyo, nhưng điều quan trọng hơn là việc nhận sữa và báo cho người già ở khu vực nông thôn." Makishima nói. Cô cho biết mình cũng rất ủng hộ tư vấn y tế trực tuyến. Tầm nhìn của ông Nakajima đối với Imabetsu rất khiêm tốn, đó là thúc đẩy du lịch, bảo tồn các ngành công nghiệp hiện có thay vì cố gắng tạo ra những ngành mới, sử dụng hướng dẫn từ xa để duy trì trường học và tạo một trung tâm để mọi người cập nhật thông tin và các dịch vụ. Tuy nhiên, ông cho rằng ngay cả việc đó cũng rất khó khăn. Ví dụ, chính quyền thị trấn đã xem xét đến dịch vụ chia sẻ taxi, nhưng điều này là bất khả thi vì ở Imabetsu chỉ có một chiếc taxi duy nhất. Lần tới áp dụng một chính sách mới, có lẽ ông cần phải điều chỉnh để phù hợp với một cộng đồng dân cư nhỏ hơn nữa.
Theo Trí thức trẻ/Economist