Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Xanh hóa nóc nhà: Bắt đầu từ các công trình công cộng

12:00 | 04/03/2015

Nhiều kiến trúc sư và chuyên gia quy hoạch kiến nghị nên luật hóa chính sách xanh hóa nóc nhà. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cho rằng trước mắt cần khuyến khích, tạo phong trào làm nhà xanh, sau đó mới nhân rộng.

Việc xanh hóa nóc nhà được các chuyên gia, người dân, nhà quản lý ủng hộ - Ảnh: Đình Sơn

Kiến trúc sư (KTS) Trần Quốc Thái (đang làm việc tại Bộ Xây dựng) cho rằng, hiện nay trong nỗ lực phủ xanh công trình xây dựng ở đô thị không chỉ là trồng cây trên mái nhà mà đã tiến tới thương mại hóa, làm cả tường đứng bằng cây xanh. Ở những nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm như nước ta thì ứng dụng kiến trúc xanh là rất cần, trong đó một phần là trồng cây trên mái nhà.

Cần chính sách để khuyến khích

KTS Thái nhìn nhận, ở nhiều nước đã có quy định khi xây dựng công trình nếu lấy đi bao nhiêu diện tích cây xanh thì phải trả lại bấy nhiêu. Trả bằng cách trồng cây trên mái. Làm như vậy, để đảm bảo độ che phủ xanh của đô thị, giảm thiểu bức xạ mặt trời hất ngược lên không khí, làm bầu khí quyển nóng lên.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, hiện nay diện tích cây xanh ở các đô thị rất ít. Trong khi đó, các chủ đầu tư khi làm dự án thấy bản vẽ xanh lắm, nhưng khi xây dựng xong thì cây xanh rất ít, thậm chí đất làm công viên bị cắt làm nhà để bán, hay để làm chuyện khác. Vì vậy, xanh hóa các nóc nhà tại các đô thị nên làm nhưng đưa vào luật thì cần cân nhắc cho hợp lý, đầu tiên nên khuyến khích.

Cũng đồng tình với ý kiến này, TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM nếu muốn đẩy mạnh phủ xanh mái nhà nên khuyến khích từ các công trình công cộng, chung cư cao tầng trước do diện tích tầng mái rộng, có thể bố trí thành công viên cho người dân lên sinh hoạt, vui chơi. Còn nhà dân nhỏ lẻ, lâu nay cũng đã có nhiều người tận dụng diện tích tầng thượng để trồng rau, đặt chậu cây cảnh... nên cơ quan quản lý cần đưa ra các hướng dẫn cụ thể để tạo thành phong trào sâu rộng, mang lại hiệu quả cao.

Hoàn toàn có thể, nếu muốn làm!

Ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên là Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM (hiện là Chủ tịch UBND Q.2), cho biết sau giải phóng, TP.HCM đã giải tỏa nhiều nghĩa trang để làm công viên Lê Văn Tám (Q.1), Lê Thị Riêng (Q.10), giải phóng ga xe lửa làm công viên 23.9 rộng 20 ha. Sau đó thì “khựng”, không phát triển thêm được công viên nào là vì quỹ đất rất ít. Trong nội thành hiện nay không "moi" ra đâu đất để làm công viên tập trung, chỉ có những khu đô thị mới mới có thể làm được. Tuy nhiên, hiện nay xã hội đang đề cao vai trò cây xanh, trở về với thiên nhiên, nên chúng ta đang đưa ra hình thức đô thị sinh thái, đưa cây xanh vào trong tòa nhà, hành lang, ban công, thậm chí mái nhà. Đây là một giải pháp tốt, đem lại cái lợi rất nhiều so với những thiệt hại mà nó gây ra, vì thế, chúng ta nên cổ súy.

"Tôi ủng hộ quan điểm trồng cây xanh trên nóc nhà, nhưng đưa vào trong luật bắt buộc người dân phải thực hiện thì chưa thể khả thi trong lúc này”, ông Nam nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật (Bộ Xây dựng), khẳng định: “Bộ Xây dựng chủ trương đưa ra các bộ quy chuẩn tiêu chuẩn chung cho kiến trúc xanh, xây dựng xanh mang tính tổng thể chứ không riêng vấn đề trồng cây trên mái nhà. Do vậy, đến nay Bộ Xây dựng chỉ dừng lại ở việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp khi xây dựng công trình lưu ý dành diện tích trồng cây xanh không chỉ ở mái nhà, ban công mà nếu được có thể làm tường đứng bằng cây xanh”, ông Hòa nói.

Riêng về một số ý kiến cho rằng hiện nước ta chưa đủ kỹ thuật để đánh giá và kiểm soát mặt trái của việc trồng cây trên mái nhà như thẩm thấu, ăn mòn bê tông, chăm sóc, chủng loại cây trồng... thì nhiều chuyên gia cho rằng không đáng lo, vì kỹ thuật ấy thế giới đã biết đến nhiều, và tại nước ta cũng đã có nơi làm rồi. Việc quy định bắt buộc làm mái xanh hoàn toàn có thể làm được nếu chúng ta muốn làm, có thể bắt đầu từ những công trình mới, những công trình sửa chữa đủ điều kiện làm mái xanh.

Về tổng thể sẽ tiết kiệm hơn

Theo KTS Trần Quốc Thái, việc xử lý các lớp kỹ thuật trên tầng mái để chống thấm trước trồng cây cần phải thi công đặc biệt hơn, có các lớp kỹ thuật riêng để vừa tưới được cây, vừa không bị thấm dột xuống cấp tầng mái công trình. Điều này khiến giá thành đầu tư xây dựng công trình ban đầu sẽ cao hơn, nhưng về tổng thể lâu dài sẽ tiết kiệm hơn do trồng cây trên mái sẽ giúp làm mát về mùa hè, ấm khi trời lạnh, giảm nhu cầu sử dụng năng lượng, tiết kiệm được kinh tế.

Đình Sơn - Lê Quân

 

Theo Thanhnien Online.

undefined