Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

‘Công nghệ’ giăng bẫy lột tiền khách Tây trên phố cổ Hà Nội

12:00 | 16/09/2015

Những vị khách Tây – vốn được nhiều quốc gia coi trọng và tiếp đón như thượng khách khi đến Việt Nam chẳng khác gì “con mồi”. Họ bị săn đón và bủa vây bởi nhiều đối tượng giăng bẫy, thậm chí ngang nhiên như trấn lột ngay trên phố cổ Hà Nội – một điểm đến được yêu thích hàng đầu Việt Nam.

Hàng rong đeo bám khiến nhiều du khách bỏ chạy

Việc nữ du khách Australia bị "trấn" tới 900.000 đồng cho vài mũi khâu ở xăng đan cho thấy, dường như hành xử theo kiểu trấn lột, ăn cướp của khách du lịch vẫn ngấm ngầm diễn ra ngay tại trung tâm Hà Nội.

Cách tiếp đón khách du lịch như vậy, khác nào tự đâm vào chân mình.

Thử hình dung, bạn đang du lịch ở một nước hoàn toàn xa lạ, thăm thú một địa điểm đẹp nổi tiếng. Bỗng dưng, có người chạy đến, giật và tháo phăng đôi giầy bạn đang đi, khâu vài mũi, đánh bóng qua quýt rồi bắt bạn trả khoảng 50 USD.

Bạn có tức không, có thất vọng không?. Có thể, 50 USD đối với du khách hào phóng không đáng để phải bận tâm. Có thể bạn nghĩ, thôi thì bỏ qua coi như tai nạn. Nhưng, bạn không bao giờ quên dấu ấn về một chuyến đi mà bạn đã bị ăn chặn trắng trợn như thế.

Đấy chính là tình huống mà cô Avy, du khách đến từ xứ sở Kangoroo gặp phải khi đang đi bộ trên phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mới đây. Nó khiến cô bị sốc. Thậm chí, bà Helen, một khách du lịch Na Uy, còn giận dữ cho rằng, đó là một trải nghiệm tồi tệ khi bà buộc phải trả 500.000 đồng cũng chỉ để cho một lượt đánh giày.

Chắc chắn, còn nhiều khách ngoại quốc khác cũng bị bắt chẹt tương tự, nhưng không lên tiếng hoặc không biết báo với ai, để tự bảo vệ mình.

Khẳng định như vậy là bởi, cách đây 4 năm, tình trạng trên đã xảy ra, cũng tại ngay những tuyến phố quanh hồ Gươm như Lò Sũ, Hàng Dầu, Hàng Đào, Hàng Bè, Cầu Gỗ…

Hễ “đánh hơi” thấy bóng dáng khách nước ngoài, một nhóm đánh giày bặm trợn lao tới, làm vài động tác chỉ chỏ rằng cần phải khâu vá, đánh bóng,… chẳng cần biết khách có đồng ý không. Mất vài phút, khách bị lột từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.

Những vị khách Tây – vốn được nhiều quốc gia coi trọng và tiếp đón như thượng khách khi đến Việt Nam chẳng khác gì “con mồi”. Họ bị ngang nhiên săn đón và bủa vây ngay trên phố cổ Hà Nội, bởi nhiều đối tượng – vì miếng cơm manh áo, mà không còn lòng tự trọng, tính sĩ diện và sự tử tế.

Những “con mồi” ấy, năm 2013, còn bị cả một đội quân quang gánh đeo bám, chèo kéo, vòi tiền, dồn ép mua hàng, thậm chí còn cướp giật, thó tiền của khách, ngay tại khu vực trước cổng chùa Trấn Quốc. Đeo bám quyết liệt đến nỗi, có đoàn khách kinh hoàng đã phải chạy thục mạng, tìm cách thoát thân.

Chưa hết, khách du lịch quốc tế còn bị lái xe xích lô, tài xế taxi ngang nhiên “chém đẹp”. Dạo một vòng phố cổ bằng xích lô bị hét tới vài trăm ngàn đồng. Đi taxi 3km từ khu vực đền Ngọc Sơn về Bảo tàng Hồ Chí Minh (quận Ba Đình), khách nước ngoài bị nữ lái xe giật mất cả tờ 50 USD đang cầm trên tay.

Hà Nội là điểm đến được nhiều du khách quốc tế lựa chọn khi đến Việt Nam. Nhưng, đi taxi từ cửa ngõ là sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố đã bị móc túi. Dạo phố thì bị đội quân hàng rong chèo kéo, bị đánh giầy lột tiền, bị xích lô tính giá cước trên trời. Không chỉ vậy, họ còn bị chặt chém khi dùng bữa ở Hạ Long, ở Vũng Tàu, bị cướp giật ở TP.HCM,…

Tất nhiên, đó chỉ là một trong số ít những hạn chế, mà có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào, nhưng đến mức để khách du lịch sốc, khiếp sợ, giận dữ,… thì đúng là khó có thể lấy lòng họ lại được trong ngày một, ngày hai. Chưa kể, hình ảnh, thương hiệu đất nước, điểm đến du lịch ở Việt Nam cũng bị tổn thương.

Riêng du lịch Thủ đô, năm 2014 đón 3 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 16% so với năm trước. Tự hào trước tốc độc tăng trưởng hai con số hàng năm, song, trong số du khách ấy, bao nhiêu sẽ quay trở lại?

Một lần nữa, câu hỏi về việc tại sao tình trạng chặt chém, đeo bám, ăn cướp của khách nước ngoài – mặc dù diễn ra từ lâu, nhưng cứ dẹp xong, im ắng một thời gian thì đâu lại vào đấy. Thành lập cảnh sát du lịch, ra chế tài xử phạt mạnh,… những giải pháp từng được đề xuất, xem ra vẫn không hiệu quả, khi mà bài toán lâu dài, tốn kém và quan trọng hơn cả là tạo thu nhập bền vững và nâng cao ý thức của những người nghèo làm du lịch, vẫn còn đó.

Ý thức du lịch kém bị xem là yếu tố hàng đầu trong số những điểm yếu “chết người” của du lịch Việt Nam, theo một khảo sát trên 3.000 du khách mới đây do Dự án du lịch EU thực hiện. Xếp sau đó là tệ nạn xã hội, sự chậm đổi mới ở các điểm đến, công tác bảo tồn yếu, sản phẩm du lịch Việt Nam thiếu đặc sắc, ít sáng tạo và còn trùng lặp,… khiến du lịch Việt Nam chỉ giữ chân được du khách ít ngày.

Đến khách du lịch trong nước, nhất là vào dịp cao điểm, còn bị ngang nhiên đối xử kiểu chặt chém công khai, ép buộc mua hàng với giá cắt cổ, nữa là những vị khách xa lạ tận trời Tây.

Rõ ràng, những giải pháp mà du lịch Việt Nam đang nỗ lực triển khai để thu hút khách quốc tế, như miễn visa, quảng bá tiếp thị, nâng cao chất lượng dịch vụ, miễn thuế VAT cho khách, giảm thuế cho các doanh nghiệp lữ hành,… sẽ không đem lại nhiều hiệu quả khi bản thân ngành du lịch còn tồn tại những hạn chế như trên, khiến khách đến một lần rồi hoảng sợ quay lưng.

Theo Vef.

undefined