chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Báo cáo Ấn Độ 6 tháng đầu năm 2024: chính sách đối nội và đối ngoại
12:00 | 07/09/2024
1. CHÍNH SÁCH ĐỐI NỘI
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi thực hiện những chính sách đối nội bao gồm: chương trình nghị sự theo chủ nghĩa Hindu, ban hành các luật dân sự, quy chế về lãnh thổ Jammu-Kashmir, an sinh xã hội, và bầu cử 2024.
- Chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc Hindu (Hindutva)
Đảng Bharatiya Janata (BJP) hay Đảng Nhân dân Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi vẫn tiếp tục chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc Hindu (Hindutva) với nhiều hoạt động bảo hộ Hindu giáo.
Thứ nhất, Thủ tướng Modi đã chủ trì buổi lễ khánh thành đền thờ thần Ram ở Ayodhya (22/1/2024): Được xây dựng trên nền tàn tích của nhà thờ Hồi giáo Babri Masjid, gây lo ngại về việc khuyến khích các phần tử Hindu cực đoan phá hủy nhà thờ Hồi giáo khác.
Thứ hai, Hỗ trợ cộng đồng Meitei tại Manipur: Chính phủ tạo điều kiện về kinh tế, hạn ngạch việc làm, và quyền sử dụng đất cho cộng đồng Meitei (theo đạo Hindu), gây phản đối từ cộng đồng thiểu số Kuki (theo đạo Thiên Chúa).
Thứ ba, Với bạo loạn tại Manipur (5/2023 - 5/2024) đã gây ra ít nhất 220 người thiệt mạng, 60.000 người phải di cư, 9.000 người chạy sang bang Mizoram, Chính phủ Modi đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán để giải quyết xung đột sắc tộc tại Manipur.
- Nỗ lực của Đảng BJP và Thủ tướng Modi trong việc xây dựng và triển khai luật pháp
Nỗ lực triển khai Bộ Luật Dân sự Thống nhất: Từ năm 2014, Đảng Bharatiya Janata (BJP) đã kiên trì xây dựng Bộ Luật Dân sự Thống nhất (Uniform Civil Code - UCC) nhằm thay thế các luật dành riêng cho các tôn giáo bằng một bộ luật chung. Tuy nhiên, nỗ lực này vấp phải sự phản đối từ các nhóm tôn giáo thiểu số đến nay, chỉ có bang Uttarakhand đã thông qua UCC vào ngày 7/2/2024.
Triển khai đạo luật sửa đổi quyền công dân 2019: Trước bầu cử năm 2024, Thủ tướng Modi triển khai Đạo luật Sửa đổi Quyền công dân 2019, nhằm nhập quốc tịch cho người gốc Ấn theo đạo Hindu, Parsis, Sikh, Phật, Jain, và Cơ đốc, những người đã trốn khỏi Ấn Độ đến Afghanistan, Bangladesh, và Pakistan trước ngày 31/12/2014. Tuy nhiên, đạo luật này lại loại trừ người theo đạo Islam, mặc dù đây là cộng đồng chiếm số đông tại các quốc gia trên. Bang Tây Bengal và Kerala đã từ chối áp dụng luật này vì cho rằng mang tính phân biệt đối xử. Chính phủ Modi bị cáo buộc ngầm chống lại cộng đồng Islam và thực thi Hindutva, điều này được thể hiện qua thái độ im lặng của ông Modi trước bạo lực chống người Islam do các phần tử Hindu cực đoan gây ra, cũng như các bài phát biểu kích động thù hận với cộng đồng Islam trong chiến dịch tranh cử tháng 4/2024.
-Quy chế về lãnh thổ Jammu và Kashmir
Sau khi giành nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2019, chính phủ Modi đã tước bỏ quy chế đặc biệt của khu vực tranh chấp Jammu và Kashmir. Kết quả là Jammu và Kashmir bị hạ cấp từ vị thế tiểu bang xuống thành hai lãnh thổ liên bang là Ladakh và Jammu-Kashmir, đều do chính quyền trung ương cai quản. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ khi vùng Jammu và Kashmir bị quản lý trực tiếp bởi liên bang. Tháng 12/2023, Tòa án Tối cao phán quyết rằng cần khôi phục quyền tự trị của Jammu và Kashmir, cho rằng quy chế đặc biệt chỉ là tạm thời. Trong chuyến thăm vào tháng 5/2024, Thủ tướng Modi đã hứa sẽ khôi phục vị thế cấp bang của vùng Jammu và Kashmir nhằm thu hút cử tri tại khu vực này.
- Chính sách an sinh xã hội
Triển khai chương trình phúc lợi PM-JANMAN: là chương trình phúc lợi với ngân sách khoảng 2,4 tỉ Rupee, nhằm cải thiện điều kiện kinh tế xã hội cho các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương (Particularly Vulnerable Tribal Groups - PVTG) thông qua việc cung cấp nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh, cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế, dinh dưỡng, kết nối điện, đường bộ, viễn thông và tạo cơ hội sinh kế bền vững. Ngày 15/1/2024, Thủ tướng Modi đã phát 5,4 tỉ Rupee cho 10.000 người nghèo trong chương trình nhà ở nông thôn thuộc dự án "PM-JANMAN" (Pradhan Mantri Janjati Adivasi Nyaya Maha Abhiyan).
Sáng kiến PM-Kisan (hỗ trợ thu nhập tối thiểu 6.000 Rupee cho người nông dân Ấn Độ từ năm 2019) đã triển khai đợt thứ 16 vào ngày 29/2/2024, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của 90 triệu nông dân từ Yavatmal ở Maharashtra.
- Bầu cử 2024
Đây là sự kiện quan trọng nhất của hệ thống chính trị Ấn Độ, diễn ra trong 44 ngày (19/04 - 01/06/2024) với sự tham gia của gần 970 triệu cử tri (10% dân số thế giới) theo 7 giai đoạn để bầu ra 543 thành viên Hạ viện (Lok Sabha). Kết quả bầu cử là chiến thắng của Thủ tướng Modi và Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) nói chung hay Đảng Bharatiya Janata (BJP) nói riêng với 293 ghế (vượt xa mức 272 cần thiết để chiếm đa số trong Hạ viện).
Ngày 10/6/2024, Thủ tướng Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 3 cùng với các thành viên trong nội các mới, qua đó tiếp tục giúp Modi tiếp tục những chương trình nghị sự trong nước 5 năm tới. Dù vậy, nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được dự báo sẽ gặp phải nhiều thách thức trong việc xây dựng sự đồng thuận về các vấn đề chính trị và chính sách gây tranh cãi ở trong nước. Cùng lúc đó, Chính phủ Ấn Độ cũng sẽ phải cân bằng các lợi ích khác nhau của các đảng khu vực tham gia liên minh và sự phản đối mạnh mẽ hơn của phe đối lập.
Chính phủ Modi điều hướng chính sách đối ngoại khá thành công theo bối cảnh địa chính trị mới: tiếp cận thực tế hơn đối với các mối quan hệ đối tác chiến lược, mở rộng quyền tự chủ chiến lược và phạm vi hoạt động của Ấn Độ. Điều này thể hiện qua việc tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023, trở thành tiếng nói đáng tin cậy của Miền Nam toàn cầu. Đồng thời, Ấn Độ tiếp tục cân bằng giữa ‘các nguyên tắc’ và ‘lợi ích’ trong các vấn đề toàn cầu gây chia rẽ như xung đột Israel-Hamas và Chiến tranh Nga-Ukraine.
2. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI
- Thứ nhất, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023, Mỹ và Ấn Độ đã thúc đẩy mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc: đã giải quyết tranh chấp thương mại và cam kết đồng sản xuất động cơ phản lực, xây dựng xưởng đúc chip và phát triển hệ thống viễn thông thế hệ mới tại Ấn Độ.
- Thứ ba, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Maldives gần đây đã suy giảm sau khi Tổng thống thân Trung Quốc Mohammad Muizzu lên nắm quyền vào tháng 11/2023 với kế hoạch "thoát Ấn Độ". Tháng 1/2024, sau khi Thủ tướng Modi đăng video quảng bá du lịch ở Lakshadweep, ba thứ trưởng Bộ Thanh niên Maldives có nhận xét chê bai Ấn Độ và ông Modi, dẫn đến chiến dịch 'tẩy chay Maldives'. Số lượng khách du lịch Ấn Độ giảm sút, gây khó khăn cho Maldives trong việc giải quyết nợ, hiện nợ Ấn Độ gần 400,9 triệu USD. Mặc dù Maldives yêu cầu giảm nợ, Ấn Độ đã gia hạn hạn ngạch nhập khẩu cho Maldives, thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước. Tuy nhiên, sự căng thẳng hiện tại và lập trường cứng rắn của đảng cầm quyền Maldives có thể ảnh hưởng đến việc bình thường hóa quan hệ song phương.
- Thứ tư, Chính sách của Ấn Độ về xung đột Israel – Hamas: Ấn Độ đã lên án cuộc tấn công của Hamas vào Israel, nhấn mạnh lập trường không khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố. Chính quyền Modi duy trì một chính sách cân bằng trong quan hệ với Israel, khẳng định chống khủng bố dưới mọi hình thức, và bày tỏ quan ngại sâu sắc về xung đột ở Gaza. Ấn Độ kêu gọi tăng cường viện trợ nhân đạo và đóng vai trò hòa giải, kêu gọi ngừng bắn và yêu cầu Hamas trả lại những người bị bắt. Tháng 4/2024, Ấn Độ bỏ phiếu trắng cho nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về cấm vận vũ khí đối với Israel và ngừng bắn ở Gaza. Tháng 5/2024, Ấn Độ xuất khẩu vũ khí cho Israel, và tháng 6/2024, cùng với các thành viên BRICS, Ấn Độ kêu gọi ngừng bạo lực ở Gaza. Ấn Độ duy trì “chính sách đu dây,” đôi khi phản đối nghị quyết của Liên Hợp Quốc vì quan hệ tốt với Israel, nhưng cũng ủng hộ Palestine để thể hiện vai trò lãnh đạo các quốc gia đang phát triển. Với việc Đảng BJP mất đa số tại Hạ viện, họ phải phụ thuộc vào đồng minh, đặt ưu tiên vào quan hệ tốt đẹp với các chủ thể ở Trung Đông. Modi cân nhắc giữa việc ủng hộ Israel và phát triển quan hệ chiến lược với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong khu vực.
- Thứ năm, trong mối quan hệ với Pakistan, khi cựu Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif kêu gọi giải quyết các vấn đề thông qua "các cuộc thảo luận hòa bình và có ý nghĩa," Ấn Độ đã nhanh chóng đáp lại, nhắc lại quan điểm nguyên tắc rằng "một môi trường không có khủng bố và thù địch là điều bắt buộc" để tiến hành đối thoại. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các nhóm khủng bố do Pakistan hậu thuẫn liên tục tiến hành các cuộc tấn công vào quân đội Ấn Độ, đặc biệt ở khu vực Jammu.
- Thứ sáu, với các quốc gia Tây Á, ông Modi đã xây dựng mối quan hệ bền chặt chưa từng có với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Saudi và Israel. Đây là bước đệm hướng tới mối quan hệ thương mại và chính trị ngày càng tăng với các nước Địa Trung Hải và Châu Âu.
- Thứ bảy, Đẩy mạnh ký kết các thương mại với các quốc gia Châu Âu: Vào ngày 10/3/2024, Ấn Độ đã ký các hiệp định thương mại với Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein và Ấn Độ đang đàm phán các hiệp định thương mại với Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu.
- Thứ tám, Ấn Độ cũng nổi lên như một thành viên vững chắc trong Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD), điều này đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương với Nhật Bản và Australia, củng cố đáng kể vị thế của Ấn Độ trong cộng đồng ASEAN.
- Thứ chín, Thúc đẩy quan hệ Ấn Độ - ASEAN: Tổng thư ký ASEAN đã thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 11-15/2/2024, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông tới Ấn Độ. Tháng 3/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác ASEAN với các chuyến thăm Singapore, Philippines và Malaysia.
3.AN NINH - QUỐC PHÒNG
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình an ninh - quốc phòng Ấn Độ được đảm bảo với việc các lực lượng vũ trang Ấn Độ tăng cường huấn luyện, tuần tra trên các tuyến, thường xuyên nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ xảy ra.
- Thứ nhất, Ấn Độ duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, và nâng cấp, mở rộng các căn cứ quân sự. Tháng 3/2024, Hải quân Ấn Độ đã mở rộng sự hiện diện bằng việc đưa vào hoạt động căn cứ mới INS Jatayu trên đảo Minicoy, nhằm tăng cường khả năng hoạt động trong khu vực quần đảo Lakshadweep. Căn cứ này sẽ hỗ trợ các hoạt động chống cướp biển và ngăn chặn buôn bán ma túy ở phía Tây biển Arab. INS Jatayu là căn cứ hải quân thứ hai ở Lakshadweep, sau INS Dweeprakshak ở Kavaratti.
- Thứ hai, Ấn Độ tổ chức chặt chẽ và hiệu quả các hoạt động huấn luyện, diễn tập, và tập trận để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Vào tháng 2/2024, Ấn Độ đã tổ chức tập trận Hải quân đa phương MILAN 2024 với sự tham gia của hải quân từ 47 quốc gia. Tập trận này diễn ra tại các địa điểm trên bờ và khu vực biển phía Đông thành phố Visakhapatnam, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn tại bến bao gồm các hoạt động trao đổi chuyên môn, lập kế hoạch đi biển, hội thảo hàng hải, giao lưu sĩ quan trẻ, diễu binh, giao lưu thể thao và văn hóa. Giai đoạn diễn tập trên biển bao gồm vận động đội hình, thông tin liên lạc, cứu người rơi xuống nước, cập mạn và kiểm tra tàu nghi vấn, tiếp tế trên biển, và chụp ảnh đội hình từ trên không.
- Thứ ba, công tác mua sắm vũ khí, hiện đại hóa quân đội được tăng cường. Vào tháng 2/2024, Ủy ban nội các về An ninh Ấn Độ (CCS) đã hoàn tất thỏa thuận mua hơn 220 tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos tầm xa của liên doanh Ấn Độ-Nga cho Hải quân Ấn Độ. Vào tháng 5/2024, Quân đội Ấn Độ đã bắt đầu nhận được 27.000 khẩu súng trường tấn công AK-203 của liên doanh Ấn Độ-Nga.
- Thứ tư, lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đạt nhiều kết quả tích cực, tiếp tục triển khai thực hiện sáng kiến Sản xuất tại Ấn Độ nhằm tăng cường khả năng tự chủ trong sản xuất quốc phòng và đóng góp vào xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ.
- Thứ năm, hội nhập quốc tế và đối ngoại an ninh - quốc phòng của Ấn Độ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng chủ động, tích cực, linh hoạt, thực chất, hiệu quả.
Với Nga: Vào tháng 4/2024, Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đã có cuộc họp song phương với Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev bên lề Hội nghị quốc tế lần thứ XII của các quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề an ninh tại St. Petersburg, Nga. Cuộc họp nhằm hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống khủng bố và ngăn chặn việc lập kế hoạch, tài trợ và thực hiện các hành động khủng bố xuyên biên giới. Tháng 6/2024, cuộc họp lần thứ ba của Tiểu ban công tác Ủy ban liên chính phủ Ấn Độ - Nga (IRIGC) đã được tổ chức tại Ấn Độ, nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng, huấn luyện quân sự, giáo dục quân sự và tập trận chung giữa hai quốc gia.
Với Mỹ: Vào tháng 6/2024, Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đã có cuộc thảo luận sâu rộng với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại New Delhi, tập trung vào việc tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Ấn Độ và Mỹ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Mỹ khi tiếp đón Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Hai bên cam kết thực hiện các hành động cụ thể nhằm tháo gỡ các rào cản đối với hợp tác công nghiệp và công nghệ song phương.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
(Vietnam Center for Advanced Studies of India – VCASI)
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi