Nghiên cứu

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Bảo vệ nền tảng của Đảng Cộng sản Việt Nam - Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ về phát triển kinh tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

12:00 | 10/10/2023

Khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Có thể nói, cuộc chạy đua phát triển kinh tế trên thế giới hiện nay thực chất là cuộc chạy đua về khoa học và công nghệ. Với tầm nhìn chiến lược, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế. Chính vì vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh là đúng đắn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế

Thứ nhất, KH&CN là nhân tố quyết định phát triển kinh tế.

Luận điểm này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong bài viết “Vấn đề dân bản xứ” đăng trên Báo L'Humanité, ngày 02/8/1919. Theo Người, phát triển KH&CN quyết định khả năng cạnh tranh về kinh tế: “Là phi lý nếu nghĩ rằng hai dân tộc láng giềng như dân tộc An Nam và dân tộc Nhật Bản lại có thể cứ tồn tại biệt lập đối với nhau. Nhưng người Nhật, nhờ ở chính phủ khôn khéo của họ, có các phương tiện rất đầy đủ, được trang bị tốt để tiến hành đấu tranh kinh tế; trong khi đó thì người An Nam - chúng tôi đã nói vì sao - lại hoàn toàn là con số không, xét về mặt tiến bộ hiện đại”. Qua đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy sự tương phản trong lĩnh vực kinh tế giữa dân tộc Nhật Bản với dân tộc An Nam, người Nhật với các phương tiện rất đầy đủ, được trang bị tốt, mà thực chất là đã thực hiện công nghiệp hóa; du nhập và học hỏi từ phương Tây về khoa học - kỹ thuật hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh về kinh tế, chiếm lợi thế tuyệt đối trong so sánh kinh tế. Bài viết trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể được xem là mốc đánh dấu sự hình thành tư tưởng của Người về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế.

Thứ hai, KH&CN là căn cứ để xây dựng đường lối, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ngăn ngừa khuynh hướng chủ quan nóng vội, gò ép phát triển kinh tế bất chấp cơ sở khoa học, bất chấp quy luật khách quan. Trong bài: “Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội” đăng trên Báo Nhân dân số 2563 ra ngày 27/3/1961, Người viết: “Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc. Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho những điều kiện thực tế. Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và của Nhà nước”. Như vậy, Người đã xác định rõ việc hoạch định đường lối, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế phải dựa trên những căn cứ khoa học và thực tiễn, tuyệt đối tránh chủ quan, giáo điều, xa rời thực tế. Đây vừa là điều kiện cần, vừa là điều kiện đủ để các chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận.

Thứ ba, KH&CN phải gắn kết chặt chẽ với sản xuất.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, KH&CN phải gắn kết chặt chẽ với sản xuất, là một yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất và hướng vào giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế của đất nước. Người cho rằng, khoa học phải từ sản xuất mà ra và trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (ngày 18/5/1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó”. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta, việc xây dựng tiềm lực KH&CN hướng tới hiện đại, làm cho sản xuất phát triển nhanh, tạo điều kiện nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là bảo đảm các yêu cầu cơ bản, xóa đói giảm nghèo.

Thứ tư, tích cực tiếp thu các thành tựu mới nhất về KH&CN của thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm coi KH&CN là tài sản chung của nhân loại. Tại buổi nói chuyện với sinh viên đại học chào mừng Tổng thống Indonesia Sukarno (ngày 26/6/1959), Người cho rằng mỗi người, mỗi dân tộc đều có thể “hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại”. Là tài sản chung, KH&CN mở ra cơ hội để mọi người, mọi dân tộc xích lại gần nhau, thi đua phát triển kinh tế với nhau. Trong bức thư gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếcnơ, đề ngày 01/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ nguyện vọng được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, nhưng chủ yếu là để “xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”.

Những khó khăn thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam

Thời đại công nghệ 4.0 là cơ hội cho Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, từ đó vươn lên đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nhưng cũng đưa đến nhiều thách thức không hề nhỏ.

Trong những năm gần đây, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước ngày càng có thêm nhiều hình thức tuyên truyền, phát tán các quan điểm sai trái bằng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.

Chúng thường tìm mọi cách vu khống, bịa đặt, bôi nhọ, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, nhằm khiến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hoang mang, lệch hướng. Chúng không chỉ thuần túy bóp méo các vấn đề lý luận mà tấn công vào mọi mặt trong đời sống xã hội. Chúng xuyên tạc đường lối chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Đảng cộng sản Việt Nam và phủ nhận những giá trị mà tư tưởng, đường lối của Đảng lãnh đạo đã giúp cho đất nước Việt Nam vượt qua nhiều chông gai, thử thách trên con đường bảo vệ và xây dựng đất nước để đạt được những thành tựu đáng kể như hiện tại.  Để đảm bảo giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải bảo vệ nền tảng của Đảng Cộng sản Việt Nam và phát triển những giá trị này.

Tuy vậy, trong bối cảnh đất nước bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa đang diễn ra rất nhanh chóng, với sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội, vạn vật kết nối... khiến nhiều luồng thông tin không được kiểm soát, gây nhiều khó khăn cho việc tiếp nhận, phân tích để hiểu thấu đáo nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thêm vào đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; vấn nạn tham nhũng, "lợi ích nhóm", và các tư tưởng chống phá diễn ra mạnh mẽ gây ảnh hưởng tiêu cực niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Nếu như trước đây khi thông tin liên lạc còn hạn chế, các thế lực phản động cách mạng chủ yếu hoạt động ở những vùng núi cao, biên giới, lợi dụng sự kém hiểu biết của bà con dân tộc, đội lốt các tổ chức tôn giáo để kích động bà con nổi loạn, gây mất trật tự an ninh xã hội thì hiện nay, khi giới hạn về không gian và địa lý đã bị phá vỡ nhờ internet “vạn vật kết nối”, các thành phần chống phá lưu vong đã có thêm nhiều phương thức tinh vi hơn để tuyên truyền chống phá Đảng cộng sản, bôi nhọ tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều phương diện.

Chúng tăng cường xuất bản, tán phát các loại ấn phẩm, tài liệu như: Các báo cáo, dự luật của một số nước phương Tây; các văn bản pháp lý của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ; các ấn phẩm như tập san, tờ rơi của những cá nhân, tổ chức phản động lưu vong. Chúng lập ra hàng nghìn trang web, blog; sản xuất các chương trình phát thanh bằng tiếng Việt; tổ chức vô số cuộc hội thảo,  tọa đàm với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước… để xuyên tạc nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng ta.

Nguy hiểm hơn, chúng lợi dụng sự phổ cập rộng rãi của mạng xã hội để tuyên truyền những hệ tư tưởng sai lệch, kích động và lôi kéo tầng lớp tri thức vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

 

Một số giải pháp:

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển KH&CN, coi phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong công tác KH&CN thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định: “Trong điều kiện thế giới đang tiến nhanh vào giai đoạn mới của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và qua tình hình thực tế của nước ta, càng thấy rõ sự bức bách phải làm cho khoa học, kỹ thuật thật sự trở thành một động lực to lớn đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vị trí then chốt của cách mạng khoa học - kỹ thuật trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội phải được thể hiện trong cuộc sống”.

Trước những âm mưu ngày càng thâm độc, những thủ đoạn ngày càng tinh vi của thế lực thù địch, cơ hội, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 35, trong những năm gần đây, Đảng cùng với Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đặc biệt trên không gian mạng hiện nay. Để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, nhất là trên không gian mạng, bên cạnh những giải pháp truyền thống đã được Đảng và Nhà nước thực hiện hiệu quả, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước các kênh truyền thông, báo chí, nhất là kiểm soát thông tin trên internet và mạng xã hội trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bổ sung các quy định pháp lý về quản lý hoạt động trên không gian mạng, phương thức đấu tranh phòng,chống quan điểm sai trái, tạo căn cứ để cảnh báo, răn đe và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hai là, tăng cường các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để phát hiện sớm, ngăn chặn tận gốc các trang mạng độc hại, nguồn phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, xây dựng mới các trang mạng, báo chí có nội dung đấu tranh của ta bám sát thực tiễn, tuyên truyền sâu rộng với lập luận sắc bén, thuyết phục về các thành tựu phát triển của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các định hướng, nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước, của địa phương, từng bước giành thế chủ động, làm chủ thế trận tiến công về thông tin tư tưởng, lý luận trên internet.

Ba là, giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý không gian mạng. Phổ biến các điều luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; tuyên truyền, giáo dục Luật An ninh mạng. Xây dựng những kênh chính thống để phổ cập  pháp luật, nền tảng tư tưởng Đảng Cộng Sản; tư tưởng Hồ Chí Minh theo dạng video ngắn với nội dung dễ hiểu tới nhiều tầng lớp nhân dân.

Bốn là, gắn kết chặt chẽ yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt để hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan khoa học thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước. Chính vì vậy, toàn thể cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về công tác phát triển khoa học và công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, gắn liền với  việc đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Từ đó,  phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành một trung tâm quốc gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản, tham mưu chính sách cũng như đào tạo các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn./.

Tài liệu tham khảo

Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.2000

Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H.2000

Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H.2000

Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H.2000

Bài viết đăng tải trên Tạp chí Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, số Đặc biệt chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tháng 5/2023.

 

Lê Kim Sa

Kiều Thanh Nga

Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

 

undefined