Nghiên cứu

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Các yêu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

12:00 | 04/06/2021

Nghiên cứu này được thực hiện thông qua 236 mẫu khảo sát được thu thập từ các sinh viên tại một số trường đại học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và phân tích dữ liệu nghiên cứu bằng phần mềm SPSS. Kết quả của nghiên cứu đã xác định các yếu tố có quan hệ cùng chiều đến ý định khởi nghiệp của sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bao gồm: Giáo dục khởi nghiệp, tính cách cá nhân, nhận thức kiểm soát hành vi, ảnh hưởng xã hội và nguồn vốn. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả cũng đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm gia tăng tinh thần khỏi nghiệp của sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

1. Đặt vấn đề

Vấn đề khởi nghiệp (KN) của sinh viên (SV) ngày càng đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia trên thế giới nói chung và cả Việt Nam nói riêng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự đóng góp qua quá trình KN thành công của SV vào việc phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt thông qua việc tạo việc làm và tăng tính đa dạng của nền kinh tế (Nguyễn Thị Bích Liên, 2020).

Trong những năm gần đây, với sự xuất hiện của các hoạt động KN và các vườn ươm KN, ngày càng nhiều người chú trọng đến việc nghiên cứu về KN. Trong khi SV đại học thường được coi là doanh nhân tiềm năng, ý định khởi nghiệp (YDKN)  được xem là biến số cốt lõi để dự đoán ý đính KN kinh doanh của SV đại học (Shook, 2003).

Ở Việt Nam, vấn đề KN của SV được chú ý trong những năm gần đây, sau khi Chính phủ phát động phong trào KN và lấy năm 2016 là năm quốc gia KN. Nhiều trường đại học đã đưa giáo dục KN vào chương trình đào tạo, thậm chí xây dựng thành một ngành, chuyên ngành đào tạo (Nguyễn Xuân Hiệp và cộng sự, 2019). Tuy nhiên, tại Đồng Nai (ĐN) với hàng ngàn SV tốt nghiệp hàng năm nhưng số lượng, tỉ lệ SV KN kinh doanh sau khi tốt nghiệp còn rất thấp và cũng chưa có nhiều nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Đó cũng là lý do mà nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này, với mục tiêu đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố  tố đối với YDKN của SV trên địa bàn tỉnh ĐN.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết

KN là thuật ngữ chỉ về những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung, thường được dùng với nghĩa hẹp chỉ các công ty công nghệ trong giai đoạn lập nghiệp. KN là một tổ chức được thiết kế nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong những điều kiện không chắc chắn nhất (Wikipedia, 2021).

Hoạt động sáng tạo mạo hiểm mới đang được chú ý nhiều hơn trong những năm gần đây vì tầm quan trọng của nó trong phát triển kinh tế. Việc thành lập doanh nghiệp mới không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế mà còn mang lại cơ hội mới cho các doanh nhân tương lai bằng cách cung cấp thông tin và kiến ​​thức cho việc tạo ra doanh nghiệp tiếp theo. Ý định kinh doanh là sự xác tín về bản thân của một người có ý định thành lập một liên doanh kinh doanh mới và có ý thức thực hiện điều đó vào một thời điểm nào đó trong tương lai (Mengesha, 2020).

2.2. Mô hình nghiên cứu

Trên cở sở tìm hiểu về lý thuyết, mô hình đo lường và các nghiên cứu về YDKN của SV do nhà nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam đã thực hiện. Kết hợp với việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia và thảo luận nhóm, tác giả xin đề xuất mô hình nghiên cứu để đánh giá YDKN của SV trên địa bàn tỉnh ĐN dựa theo 4 mô hình nghiên cứu của: Nguyễn Phương Mai (2018); Phan Anh Tú (2015); Nguyễn Xuân Hiệp (2019); Berhanu Tereda Mengesha (2020).

Mô hình nghiên cứu đề xuất bao gồm 5 yếu tố độc lập: Giáo dục khởi nghiệp (GDKN); tính cách cá nhân (TCCN); nhận thức kiểm soát hành vi (NTHV); ảnh hưởng xã hội (AHXH) và nguồn vốn (NV).

Các giả thuyết nghiên cứu:

  • H1: Giáo dục khởi nghiệp có quan hệ cùng chiều đối với YDKN của SV trên địa bàn tỉnh ĐN;

  • H2: Tính cách cá nhân có quan hệ cùng chiều đối với YDKN của SV trên địa bàn tỉnh ĐN;

  • H3: Nhận thức kiểm soát hành vi có quan hệ cùng chiều đối với YDKN của SV trên địa bàn tỉnh ĐN;

  • H4: Ảnh hưởng xã hội có quan hệ cùng chiều đối với YDKN của SV trên địa bàn tỉnh ĐN;

  • H5: Nguồn vốn có quan hệ cùng chiều đối với YDKN của SV trên địa bàn tỉnh ĐN.

Qua quá trình thực hiện nghiên cứu định tính và định lượng sơ bộ, thang đo chính thức được nhóm tác giả xây dựng hoàn chỉnh với 21 biến quan sát (trong đó: Thang đo GDKH có 4 biến quan sát; thang đo tính cách các nhân có 4 biến quan sát; thang đo nhận thức kiểm soát hành vi có 3 biến quan sát; thang đo ảnh hưởng xã hội có 4 biến quan sát; thang đo nguồn vốn có 3 biến quan sát và thang do ý định khởi nghiệp có 3 biến quan sát.

3. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu này, tác giả sử dụng kết hợp cả 2 phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng.

  • Nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua việc tìm hiểu các cơ sở lý thuyết, các công trình nghiên cứu trước đây có liên quan đến mục tiêu nghiên cứu, ngoài ra nhóm tác giả cũng tham khảo ý kiến của các chuyên gia, thảo luận nhóm, phỏng vấn thử nhằm hoàn thiện bảng khảo sát chính thức để thực hiện các bước nghiên cứu tiếp theo.

  • Nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua gửi bảng câu hỏi khảo sát qua mail cho các SV năm 3 và 4 với kích cỡ mẫu được xác định là 250 mẫu. Sau khi thu thập, dữ liệu xử lý bằng phần mềm xử lý số liệu SPSS phiên bản 22.0.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1 - 4/2021 thông qua khảo sát thực tế SV tại 1 số trường ĐH trên địa bàn tỉnh ĐN bằng hình thức trực tuyến theo phương pháp thuận tiến. Có 250 mẫu khảo sát được gửi đến các sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để thu thập dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu. Nhóm tác giả đã  thu về và sàn lọc được 236 mẫu hợp lệ thu được từ kết quả khảo sát, sau đó tiến hành các bước phân tích để đánh giá sự phù hợp của mô hình và kiểm định các giả thuyết nghiên cứu.

4.1. Kết quả kiểm định độ tin cậy của các thang đo

Theo Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008) cùng nhiều nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng:  Nếu hệ số Cronbach’s Alpha có giá trị từ 0,8 đến gần 1,0 là thang đo tốt, còn từ 0,7 đến gần 0,8 là sử dụng được.

Kết quả thực hiện phân tích độ tin cậy các thang đo cho thấy:

  • Hệ số tương quan biến tổng của các thang đo GDKN = 0,700, AHXH = 0,831, NTHV = 0.770, TCCN = 0,790, NV = 0,827 và YDKN =0,837, đồng thời hệ số độ tin cậy của các các biến quan sát điều lớn hơn 0,3.

  • Do vậy, kết quả kiểm định độ tinh cậy của thang đo các yếu tố độc lập và phụ thuộc trong mô hình nghiên cứu đề xuất đều có giá trị độ tin cậy nằm trong khoảng 0,7 – 0,9, nên đạt độ tin cậy tốt. Như vậy, 21 biến quan sát của 5 yếu tố độc lập (18 biến) và 1 yếu tố phụ thuộc (3 biến), sau khi thực hiện kiểm định độ tin cậy cho các thang đo cho thấy cả 21 biến quan sát đều đủ độ tin cậy để thực hiện các bước phân tích tiếp theo.

4.2.Kết quả phân tích nhân tố khám phá

Kết quả phân tích nhân tố khám phá đối với các yếu tố phụ thuộc: 18 biến quan sát được rút trích thành 5 nhân tố, trong đó:

  • Hệ số 0,5 < KMO = 0,868 < 1 ở mức ý nghĩa Sig = 0,000 < 0,5, điều này cho thấy việc phân tích nhân tố khám phá của các nhân tố hoàn toàn phù hợp, đáng tin cậy và có ý nghĩa. Do đó, có thể kết luận các biến quan sát nàycó tương quan với nhau trong tổng thể.

  • Kết quả phân tích cũng cho thấy tất cả các nhân tố đều có giá trị Eigenvalues > 1, phương sai trích = 67,157% > 50% là đạt yêu cầu. Với phương pháp rút trích và phép xoay Varimax, có 5 nhân tố được rút trích ra từ 18 biến quan sát, điều này cho thấy 5 nhân tố rút trích ra đã giải thích được 67,157% sự thay đổi của biến phụ thuộc trong tổng thể quan sát/dữ liệu.

4.3. Kết quả phân tích quy hồi và kiểm định các giả thuyết nghiên cứu

Kết quả chạy phân tích hồi quy (bảng 1) cho ta thấy: Hệ số tương quan R (0,850) đã được chứng minh là mô hình không giảm theo số yếu tố độc lập được đưa vào mô hình. R2 = 0,722 đã thể hiện thực tế của mô hình, với R2 điều chỉnh là 7,16 cho thấy sự tương thích của mô hình với biến quan sát là rất lớn và yếu tố phụ thuộc (ý định khởi nghiệp) gần như hoàn toàn được giải thích bởi 5 yếu tố độc lập trong mô hình, ngoài ra kết quả cũng thấy giá trị của Sig. = 0,00 < 0,05, ta có thể kết luận phương trình hồi quy được đưa ra là phù hợp với cả mẩu và tổng thể nghiên cứu. Từ bảng tóm tắt kết quả chạy hồi quy ta thấy có 5 nhân tố tác động được đưa vào mô hình phân tích hồi quy, các biến đều có quan hệ tuyến tính với yếu tố YDKN của SV (các giá trị Sig < 5%).

Kết quả phân tích phương sai chỉ ra giá trị kiểm định F = 119,764, ở mức ý nghĩa sig. = 0 < 0,005, điều này hoàn toàn đảm bảo về mặt thống kê, chứng tỏ mô hình nghiên cứu đảm bảo độ tin cậy và phù hợp với tập dữ liệu.

Từ thông số thống kê trong mô hình hồi quy (bảng 2), phương trình hồi quy chuẩn hoá để đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của SV trên địa bàn tỉnh ĐN như sau: YD = 0,338*NV + 0,342*GD + 0,151*XH + 0,135*NT+ 0,127*TC.

Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy, hệ số độ chấp nhận thấp từ 0,516 đến 0,664 đều nhỏ hơn 2 và giá trị VIF ở trong khoảng 1,505 – 1,936 < 10, như vậy không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến và yếu tố phụ thuộc không có mối tương quan chặt chẽ với các yếu tố độc lập.

Như vậy qua thực hiện phân tích hồi quy cho thấy các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5 đều có quan hệ cùng chiều đối với ý định khởi nghiệp của SV trên địa bàn tỉnh ĐN, do đó các giả thuyết nghiên cứu đề xuất đều được chấp nhận.

5. Kết luận và hàm ý quản trị

Về lý thuyết, kết quả nghiên cứu đã góp phần chứng minh sự phù hợp của mô hình lý thuyết về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của SV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với 5 giả thuyết được đưa ra đều được chấp nhận. Về mặt ý nghĩa thực tiễn, nghiên cứu sẽ giúp cho các nhà quản lý giáo dục có một cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn về ý định khởi nghiệp của SV trên địa bàn tỉnh ĐN nói riêng và cả nước nói chung để từ đó có thể đưa những chương trình, chính sách cụ thể hơn nhằm gia tăng ý định khởi nghiệp của SV qua đó góp phần vào việc gia tăng tinh thần khởi nghiệp của SV trên địa bàn tỉnh ĐN trong thời gian tới.

Kết quả nghiên cứu cho thấy đối với ý định khởi nghiệp của SV trên địa bàn tỉnh ĐN chịu ảnh hưởng mạnh nhất là yếu tố giáo dục khởi nghiệp (β =0,342), thứ hai là yếu tố nguồn vốn (β = 0,338), thứ 3 là yếu tố ảnh hưởng xã hội (β = 0,151), thứ 4 là yếu tố nhận thức kiểm soát hành vi (β = 0,135) và cuối cùng là yếu tố tính cách cá nhân (β = 0,127). Từ kết quả này, tác giả đã đề xuất một số hàm ý để góp phần vào việc gia tăng tinh thần khởi nghiệp của SV trên địa bàn tỉnh ĐN trong thời gian tới như sau:

  • Thứ nhất: Các đơn vị đào tạo tiếp tục duy trì và thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội thảo, chuyên đề về khởi nghiệp nhằm tạo ra các sân chơi để SV có thêm nhiều cơ hội tiếp cận và phát huy ý tưởng khởi nghiệp của mình.

  • Thứ 2: Nguồn vốn là xương sống của bất kỳ loại hình hoạt động kinh doanh nào và cũng phản ánh thực tế là có nhiều SV rất muốn thực hiện ý tưởng khởi nghiệp nhưng lại bị hạn chế về mặt tài chính.. Do đó, các đơn vị đào tạo cần tạo những kết nối cho các SV với các doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn tỉnh để SV có thể có những hỗ trợ cần thiết về mặt tài chính nhằm thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp của mình. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để SV có thể tiếp cận các quỹ đầu tư khởi nghiệp và các vườn ươm khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh.

  • Ngoài ra, cần thường xuyên tuyên truyền để SV có thể nhận thức được tầm quan trọng của việc khỏi nghiệp đối với cá nhân mình.

Tài liệu tham khảo

[1] Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. (2021). Khởi nghiệp. Retrieved from Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: https://bitly.com.vn/xrs1j0, 27/04/2021

[2] Berhanu Tereda Mengesha. (2020). Determinants of Entrepreneurial Intention towards Self-employment in the Case Study of Arba Minch University Graduating Class Students. Scientific & Academic Publishing, 10(1), 23-34.

[3] Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc. (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS tập 1 và 2. TP. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản: Hồng Đức.

[4] Nguyễn Đình Thọ. (2015). Phân tích dữ liệu SPSS trong nghiên cứu khoa học. TP.HCM: Nhà xuất bản Trẻ.

[5] Nguyễn Phương Mai và cộng sự. (2018). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của nữ sinh viên ngành quản trị kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 49, 120 - 128.

[6] Nguyễn Thị Bích Liên. (2020). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên: Nghiên cứu trường hợp sinh viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Retrieved from Tạp chí Bộ Công Thương: https://bitly.com.vn/ljvmrq, 6/10/2020

[7] Nguyễn Xuân Hiệp và cộng sự. (2019). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên khối ngành kinh tế các trường Đại học tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính, số 51, 55 - 65.

[8] Phan Anh Tú và Giang Thị Cẩm Tiên. (2015). Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khỏi nghiệp của sinh viên: Trường hợp khoa kinh tế và quản trị kinh doanh, trường Đại học Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 38, 59-66.

[9] Shook, C. L. (2003). Venture creation and the enterprising individual: a review and synthesis. Journal of Management, Vol 29 (3), 379 - 399.

Ths. Võ Anh Kiệt

Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Ths Trần Quang Bình

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM

undefined