chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG Ở HÀ NỘI
5:00 | 14/12/2013
Phát triển nông nghiệp ở Hà Nội phải đi theo hướng phát triển bền vững (PTBV) đang đặt ra những yêu cầu cấp bách và mang tính thời sự. Trong Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 09-7-2012, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã xác định: “Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, góp phần tạo cảnh quan môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, hài hòa và bền vững với môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Những vấn đề cần tập trung giải quyết
Thực trạng phát triển của nông nghiệp Hà Nội thời gian qua đã đặt ra một số vấn đề cần tập trung giải quyết. Đó là:
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa tính kế hoạch trong phát triển nông nghiệp bền vững với tính tự phát trong phát triển nông nghiệp hàng hóa hiện nay. Thực tiễn những năm qua ở Hà Nội, công tác quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp được UBND Thành phố, các cấp, các ngành tiến hành một cách tích cực, song còn thiếu tính đồng bộ. Một số chương trình, dự án mang nặng tính tự phát và chủ quan, khảo sát thiếu căn cứ khoa học và chưa sát thực tiễn, dẫn đến hiệu quả không cao, thậm chí có dự án không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của người dân còn mang tính tự phát cao. Trước tác động của cơ chế thị trường, người nông dân thường coi trọng lợi ích trước mắt dễ làm phá vỡ quy hoạch ngành về PTBV. Mặt khác, cũng do tác động của thị trường, để hạ thấp chi phí vì mục tiêu kinh tế, người nông dân thường bỏ qua quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững, nhất là trong việc thực hiện tiêu chuẩn VietGap.
Thứ hai, sự tương đồng giữa phát triển kinh tế nông nghiệp với phân phối các nguồn lực, thu nhập một cách bình đẳng còn nhiều hạn chế. Khu vực nông nghiệp là khu vực kém phát triển nhất so với các khu vực khác ở Hà Nội về mọi mặt. Từ trước đến nay, do yêu cầu đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, hầu hết các nguồn lực như về vốn, nhân lực, KH – CN,... đều dành phần lớn cho đầu tư công nghiệp và dịch vụ; còn nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư tương xứng. Trong khi đó, đây lại là ngành đòi hỏi lượng vốn lớn, thời gian đầu tư dài. Chính vì thế, trong quá trình phát triển kinh tế, đời sống dân cư nông thôn trong Hà Nội phần lớn vẫn ở tình trạng khó khăn, sự chênh lệch thu nhập giữa thành thị với nông thôn còn cao. Do vậy, cần phải có cơ chế, chính sách đầu tư hợp lý, hiệu quả cho khu vực nông nghiệp nhất là đầu tư cho kết cấu hạ tầng KT – XH, phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao mức sống của dân cư. Chỉ có như vậy, sự phát triển của nông nghiệp mới thực sự bền vững.
Thứ ba, sự gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế nông nghiệp với bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn Hà Nội còn thiếu và yếu. Yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững cần phải bảo đảm hài hòa mục tiêu tăng trưởng với bảo vệ môi trường. Theo đó, những sản phẩm nông nghiệp làm ra phải sử dụng ít nhất các yếu tố đầu vào, không tổn hại tới tự nhiên và tiêu dùng cho xã hội. Nhưng do chạy theo mục đích kinh tế và do nhận thức của người nông dân chưa cao mà ở Hà Nội, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, các yếu tố đầu vào (phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản…) đã bị sử dụng thiếu khoa học, gây ra nhiều tác động đến môi trường. Việc sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật chưa đúng kỹ thuật đã gây tồn dư nhiều hóa chất độc hại trong môi trường đất và môi trường nước. Nhiều vùng chăn nuôi tập trung, nhiều làng nghề sản xuất chưa có hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Tình trạng đó đã ảnh hưởng lớn đến tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế nông nghiệp với bảo vệ môi trường tự nhiên trong sản xuất nông nghiệp cần được quan tâm giải quyết trong chiến lược chung về PTBV của Hà Nội.
Một số quan điểm chỉ đạo chủ yếu
Phát triển nông nghiệp bền vững là một bộ phận hữu cơ trong quá trình PTBV. Đó là xu hướng khách quan và cũng là đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển KT - XH của thành phố Hà Nội. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đặt ra việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, gắn với thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với nông dân. Trong đó, chú trọng giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, các vấn đề dân sinh bức xúc ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các vùng của Thủ đô.
Phát triển nông nghiệp bền vững ở thành phố Hà Nội sẽ không tạo ra sức ép vượt quá khả năng tự phục hồi của các tài nguyên, giảm thiểu tình trạng suy thoái đất, nước và không khí; đồng thời, vẫn đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho dân cư các thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp bền vững ở Hà Nội hiện nay còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, để xây dựng và phát triển nông nghiệp bền vững ở Hà Nội cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo chủ yếu sau đây:
Một là, phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng, có sức cạnh tranh cao theo hướng hiện đại, hiệu quả trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của Hà Nội so với cả nước và trên nền tảng khoa học công nghệ ngày càng hiện đại.
Hai là, phát triển nông nghiệp bền vững ở Hà Nội nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập cho dân cư và ổn định đời sống kinh tế - chính trị - xã hội trên địa bàn nông thôn Thành phố; góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM).
Ba là, phát triển nông nghiệp bền vững theo xu hướng nền nông nghiệp “xanh” để thúc đẩy quả trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố.
Cả 3 quan điểm nêu trên có mối quan hệ mật thiết với nhau, hướng vào thực hiện 3 nội dung của sự phát triển bền vững; đó là sự tăng trưởng của nông nghiệp, sự cải thiện đời sống của người dân nông thôn và việc cải thiện môi trường. Ba quan điểm đó đòi hỏi tất cả các chủ thể tham gia phát triển nông nghiệp Hà Nội trong thời gian tới, từ UBND Thành phố đến chính quyền các huyện, xã, các lực lượng trực tiếp tham gia làm nông nghiệp (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) đều phải quán triệt sâu sắc trong quá trình thực hiện chức năng của mình. Trên cơ sở đó, mỗi lưc lượng có thể đề xuất và thực thi những giải pháp phù hợp, đặng thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp Hà Nội đạt được những mục tiêu của sự phát triển bền vững.
Sản xuất rau sạch VietGAP ở Hà Nội
Đề ra 4 nhóm giải pháp lớn
Trên cơ sở quán triệt các quan điểm nêu trên, có thể nêu ra một số giải pháp khả thi nhằm phát triển nông nghiệp bền vững ở Hà Nội. Các giải pháp phải đảm bảo giải quyết tốt cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là:
Nhóm giải pháp thứ nhất.
Đó là tăng cường vai trò, hiệu lực quản lý của UBND thành phố Hà Nội và sự phối hợp trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Sự hỗ trợ của Thành phố cho phát triển nông nghiệp bền vững thể hiện ở 6 nội dung cụ thể: Một là, UBND thành phố Hà Nội đóng vai trò chủ chốt trong việc xâv dựng chiến lược, chương trình, dự án, kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn Thành phố. Hai là, nâng cao vai trò của UBND thành phố Hà Nội trong việc ban hành các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo tổ chức thực hiện đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các văn bản liên quan đến sự phát triển nông nghiệp bền vững. Ba là, nâng cao vai trò của chính quyền thành phố Hà Nội trong việc làm cầu nối liên kết "bốn nhà ” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiêp và nhà nông). Bốn là, cần cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, làm cho mọi người dân có cơ hội tiếp cận các nguồn lực, chủ động tham gia vào xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Năm là, đầu tư hơn nữa cho phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Sáu là, quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện thành công Đề án “củng cố HTX nông nghiệp” trên địa bàn Thành phố.
Nhóm giải pháp thứ hai. Đó là thực hiện tốt công tác quy hoạch để thúc đẩy chuyển dịch cơ nông nghiệp ở Hà Nội có hiệu quả, gắn với xây dựng NTM trên địa bàn Thủ đô.
Trong những năm tiếp theo, để nâng cao hiệu quả của công tác quy hoạch nông nghiệp, nông thôn hướng tới việc phát triển nông nghiệp bền vững, Thành phố Hà Nội cần phải thực hiện tốt 4 nội dung cơ bản sau đây: Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện việc xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng NTM ở Hà Nội. Hai là, cần đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch tổng thể đối với từng vùng, từng ngành dựa trên lợi thế của từng ngành, trên địa bàn từng huyện, xã của Hà Nội. Ba là, UBND Thành phố cần đầu tư thích đáng cho công tác khảo sát, quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững. Bốn là, cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, gắn kết chặt chẽ giữa quá trình sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài địa bàn Thủ đô.
Nhóm giải pháp thứ ba.
Đó là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cơ bản để phát triển nông nghiệp bền vững thành phố Hà Nội.
Để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cơ bản cho việc phát triển nông nghiệp bền vững ở Hà Nội cần phải thực hiện 3 biện pháp sau: Một là, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho sản xuất nông nghiệp của Hà Nội theo hướng bền vững. Hai là, nâng cao hiệu qủa sử dụng nguồn nhân lực trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Ba là, cần huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Nhóm giải pháp thứ tư. Đó là coi trọng việc ứng dụng thành tựu KH - CN, nhất là công nghệ sinh học. Để triển khai và ứng dụng rộng rãi thành tựu của cách mạng KH - CN trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội cần thực hiện tốt 5 biện pháp sau: Một là, cần xây dựng và thực hiện tốt các chương trình ứng dụng tiến bộ KH - CN trong sản xuất nông nghiệp. Hai là, đẩy mạnh việc bồi dưỡng kiến thức khoa học - kỹ thuật cho người lao động nông nghiệp. Ba là, mở rộng và tăng cường chất lượng công tác thông tin KH – CN. Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng tốt phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa về sinh học và PTBV. Năm là, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch cho từng loại sản phẩm.
Mỗi giải pháp được nêu ở trên có vị trí và tầm quan trọng riêng, song giải pháp về tăng cường vai trò, hiệu lực quản lý của UBND Thành phố đối với việc tổ chức phối hợp thực hiện PTBV nền nông nghiệp Thành phố có vị trí quan trọng hàng đầu. Việc thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp đã nêu sẽ cho phép khắc phục được những hạn chế trong phát triển nông nghiệp thời gian qua, thúc đẩy nông nghiệp Thành phố phát triển theo hướng bền vững.
Trần Ngọc Mạnh, Học viện Chính trị