chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
12:00 | 02/06/2021
Chăm sóc sức khỏe giúp cho người lao động (NLĐ) bảo đảm sức khỏe, góp phần hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) là một vấn đề quan trọng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khoẻ cho NLĐ ở Đồng Nai còn rất nhiều hạn chế. Bài viết tập trung nghiên cứu công tác chăm sóc sức khoẻ cho NLĐ tại các DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Từ đó đề xuất ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho đối tượng này.
1. Đặt vấn đề
Đồng Nai là một tỉnh cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ – vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước. Trong đó, Đồng Nai là một trong ba góc nhọn của tam giác phát triển TP. Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai. Hiện nay, Đồng Nai có nhiều cụm công nghiệp nghề truyền thống và hơn 32 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động tập trung ở Thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc như KCN Long Thành, An Phước, Nhơn Trạch II, Biên Hòa II, Amata,...và hơn 800 DN với gần 1,2 triệu công nhân lao động [1].
Thực tế cho thấy, DN muốn ngày càng phát triển thì sức khỏe của NLĐ phải được đảm bảo. Nguồn nhân lực nói chung và sức khỏe của NLĐ nói riêng là vốn quý của DN. Việc DN quan tâm chăm sóc sức khỏe NLĐ như một mũi tên trúng hai đích: bảo vệ sức khỏe NLĐ và giữ được sự ổn định hoạt động cho DN. Bởi nếu công nhân không khỏe, thao tác sẽ chậm, thiếu chính xác dễ gây tai nạn lao động, thậm chí có thể dẫn đến chết người. Khi sự cố xảy ra, quy trình hoạt động của nhà máy bị ách tắc, thậm chí ngưng trệ, hợp đồng không hoàn thành, công ty sẽ phải bồi thường hoặc bị cắt hợp đồng... Chưa kể, khi NLĐ bị bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn lao động sẽ tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy vấn đề chăm sóc sức khỏe cho NLĐ đặc biệt là công nhân đang làm việc trong các KCN giúp họ bảo đảm sức khỏe, góp phần hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh của DN là một vấn đề quan trọng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khoẻ cho NLĐ ở Đồng Nai còn rất nhiều hạn chế. Bài viết tập trung nghiên cứu công tác chăm sóc sức khoẻ cho NLĐ tại các DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Từ đó đề xuất ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho đối tượng này.
2. Những hạn chế, bất cập trong công tác chăm sóc sức khoẻ NLĐ tại các DN tỉnh Đồng Nai
Thực tiễn cho thấy, nơi nào chủ DN có ý thức, trách nhiệm và tính tự giác cao thì nơi đó NLĐ được quan tâm, chăm lo sức khỏe tốt. Ngược lại, nếu chủ DN thờ ơ thì NLĐ ít được quan tâm.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn thực trạng nhiều chủ DN “ngó lơ” với tình hình sức khỏe của NLĐ, không thực hiện đúng quy định của pháp luật về khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Thậm chí, có những người làm việc liên tục trong môi trường nặng nhọc, độc hại nhiều năm nhưng không được DN cho đi khám sức khỏe, phát hiện bệnh nghề nghiệp. Có nhiều lý do khiến các DN không “mặn mà” chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, trước hết là do chủ DN không muốn chi một khoản tiền lớn để tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ, không muốn xáo trộn công việc trong thời gian NLĐ nghỉ làm để đi khám sức khỏe; một nguyên nhân kể đến nữa là nhiều chủ DN “nhờn” luật, thà chấp nhận bị xử phạt chứ không thực hiện đúng theo quy định. Lý do là số tiền nộp phạt thấp hơn số tiền mà DN phải bỏ ra để khám sức khỏe cho NLĐ. Do đó, chưa mang tính răn đe, cảnh cáo.
Theo phân cấp của Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện được giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị đầu mối quản lý trên địa bàn tỉnh và thực hiện công tác y tế lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Khó khăn lớn nhất là việc tiếp cận các DN để phổ biến nội dung chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Vì hiện nay, các DN đã có thể tự lập hồ sơ vệ sinh lao động đối với các yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp chứ không cần trung tâm y tế huyện hỗ trợ như trước kia nên kênh tiếp cận này không còn nữa. Ngoài ra, có những trường hợp cơ quan chức năng của tỉnh vào kiểm tra, giám sát công tác y tế lao động nhưng chủ DN cố tình né tránh.
Mặt khác, về giá khám sức khỏe cho NLĐ và quan trắc môi trường, các cơ sở y tế tư nhân được tự do quyết định còn các cơ sở y tế công lập thì không, nên tạo ra sự cạnh tranh đáng kể trong việc tiếp cận DN. Vì thế mà đến nay, ngành Y tế mới chỉ quản lý được hơn 1,6 ngàn cơ sở lao động, chủ yếu là các DN lớn nằm trong các KCN. Còn lại những DN vừa và nhỏ, nằm ngoài KCN rất khó quản lý. Kết quả cả năm 2018, ngành Y tế chỉ thực hiện quan trắc môi trường lao động tại 345 cơ sở lao động; khám sức khỏe định kỳ cho hơn 74,7 ngàn NLĐ tại 205 cơ sở; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hơn 22,5 ngàn lao động của 70 cơ sở [4]. Tất cả những kết quả này đều chưa đạt so với kế hoạch đề ra và còn rất khiêm tốn so với tổng số công nhân lao động trong toàn tỉnh.
Về phía các DN, con số nhà máy, xí nghiệp thực hiện khá tốt công tác y tế lao động, như: Công ty Đồng Tiến, Nhà máy đường Biên Hòa, Công ty sữa Nestlé chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Một số DN tuy có phòng y tế nhưng chưa được sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nên còn nhiều sai phạm trong hoạt động, như: thực hành quy chế dược, quy chế khám chữa bệnh, việc sử dụng thuốc còn tùy tiện. Còn lại đa số các xí nghiệp, nhà máy chưa có sự quan tâm đúng mức tới công tác này; việc thực hiện chỉ mang tính chất đối phó. Vì thiếu sự quan tâm nên công tác tuyên truyền trong các nhà máy, xí nghiệp về bệnh nghề nghiệp còn bị xem nhẹ, người lao động chưa ý thức được rõ quyền lợi và trách nhiệm để tự bảo vệ mình. Sự bất cập trong cơ chế quản lý cũng là trở ngại cho công tác y tế lao động. Trung kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm về chuyên môn, thẩm định nhưng lại không có chức năng xử lý. Khi phát hiện những sai phạm của các nhà máy, xí nghiệp thì trung tâm chỉ dừng lại ở việc báo cáo, chờ giải quyết. Trong khi đó, sự phối hợp giữa Sở Y tế, Sở Lao động thương binh và xã hội, Ban quản lý các KCN chưa chặt chẽ.
Ngoài ra, công tác khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ở một số DN chưa thực hiện một cách thực chất, bác sĩ khám rất qua loa, chủ yếu hỏi, ghi chép, siêu âm, xét nghiệm máu...và sau đó thông báo đủ sức khỏe làm việc. Vì thực tế có không ít công ty hợp đồng với cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ với giá rất rẻ, chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với giá quy định của Bộ Y tế, mà đã rẻ thì khó có chất lượng. Vì thế, sau khi khám sức khỏe định kỳ xong, NLĐ chưa thể an tâm với kết luận của bác sĩ. Các ngành chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra hoạt động khám sức khỏe định kỳ của các DN; xử lý nghiêm đối với các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ không đúng quy trình.
Theo số liệu trên cho thấy, mặc dù số lượng lao động tại các KCN rất lớn nhưng mới chỉ 64,6% số KCN là có phòng khám bệnh [3], trong đó các cơ sở đảm bảo về quy mô và chất lượng khám bệnh lại càng ít. Số lượng các cơ sở chăm sóc sức khỏe mới chỉ đáp ứng được 34.9% nhu cầu của người lao động. Tình trạng chung của các cơ sở khám bệnh tại các KCN là nghèo nàn về trang thiết bị, máy móc; nhân sự không đáp ứng về cả số lượng cũng như chuyên môn; chỉ giải quyết một số trường hợp bệnh đơn giản. Do đó, khi xảy ra các tình huống bất thường như dịch bệnh, ngộ độc tập thể, tai nạn lao động tập thể… các cơ sở này khó có thể ứng phó, xử lý tình huống. Tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế do chưa có cơ chế chính sách rõ ràng về việc buộc phải xây dựng các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong quy hoạch của các KCN; do hạn chế về nhận thức cũng như kinh phí, quỹ đất của các DN; chưa xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn nhà nước, DN, các KCN…
* Về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân nữ
Tại tỉnh Đồng Nai, lao động nữ (LĐN) hiện chiếm hơn 60% trong tổng số gần 1,2 triệu lao động trên địa bàn tỉnh. Tại nhiều DN, nhất là ngành giày da, may mặc, điện tử, tỉ lệ lao động nữ chiếm tới hơn 80% [5]. Hầu hết lao động nữ nằm trong độ tuổi dưới 35, là độ lập gia đình, sinh con; do đó, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân nữ là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này hiện chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân do tư thế lao động của nữ công nhân ở một số ngành, nghề đặc thù khiến thời gian ngồi làm việc kéo dài, thao tác đơn điệu... gây mệt mỏi, phát sinh các bệnh ảnh hưởng sức khỏe nói chung, sức khoẻ sinh sản (SKSS). Thực tế, các DN bố trí nơi cho công nhân uống nước, nhà vệ sinh nhưng chưa hợp lý, còn ở xa vị trí làm việc. Có DN do đặc thù sản phẩm không được nhiễm ẩm, cho nên quy định không cho công nhân mang nước uống vào nơi làm việc. Cá biệt, có DN còn quy định trong một dây chuyền chỉ cho phép hai người đi vệ sinh cùng lúc, dẫn đến tình trạng các LĐN bị mắc các bệnh viêm đường tiết niệu, sinh dục do hạn chế uống nước và đi vệ sinh. Trong khi đó, nhiều đơn vị khám sức khỏe cho người lao động rất hình thức, không đủ điều kiện để phát hiện bệnh tật, chỉ phân loại sức khỏe công nhân. Việc khám sức khỏe chỉ dừng lại ở những kiểm tra đơn thuần như: Huyết áp, các bệnh ngoài da, răng, miệng. Việc khám chuyên sâu về SKSS và các bệnh phụ khoa, truyền nhiễm hầu như không có. Cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe cho nữ công nhân lao động ở DN còn rất hạn chế so số lượng LĐN. Có nơi, chỉ có một cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác cấp phát thuốc thông thường và xử lý các trường hợp sơ cứu.
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, tỷ lệ lao động nhập cư hiện nay ở các KCN khoảng trên 50%, địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70%, hiện có khoảng 55% công nhân trong các KCN tập trung phải thuê nhà trọ [2]. Không ít LĐN thiếu hiểu biết về kiến thức sức khỏe trong khi do kinh tế eo hẹp, thiếu hiểu biết về chính sách bảo hiểm y tế cũng là những rào cản khiến cho LĐN di cư không tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc SKSS...
3. Kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người lao động tại các DN tỉnh Đồng Nai
Thứ nhất, cần xây dựng cơ chế, biện pháp thanh tra hiệu quả hơn với các sai phạm về y tế như tổ chức thanh tra đột xuất, phối hợp với các cơ quan có liên quan cùng tổ chức thanh kiểm tra và đưa ra những biện pháp, chế tài xử lý nghiêm minh những DN không thực hiện nghiêm quy định liên quan đến y tế lao động đối với NLĐ, không để tình trạng này dây dưa, kéo dài, gây thiệt thòi cho NLĐ.
Thứ hai, người sử dụng lao động cần đầu tư hơn nữa về nguồn lực, kinh phí cho việc cung cấp các dịch vụ y tế lao động cơ bản cho người lao động: thành lập bộ phận phụ trách quản lý y tế, các thủ tục về bảo hiểm y tế, khám sức khoẻ định kỳ, bệnh lý nghề nghiệp được đào tạo, nắm vững các quy định của pháp luật; xây dựng, đầu tư cơ sở chăm sóc sức khỏe tại DN, đáp ứng nhu cầu và tăng cường chất lượng các dịch vụ y tế lao động cung cấp tới người lao động.
Thứ ba, bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ về khám sức khoẻ định kỳ đối với người lao động (hạng mục khám, tiêu chuẩn của cơ sở cấp giấy khám, chế tài xử lý với các sai phạm...); về bệnh lý nghề nghiệp (trợ cấp độc hại, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, mức bồi thường…).
Thứ tư, với các cơ sở y tế công cần phối hợp với các cơ sở y tế của DN, của các KCN trong hỗ trợ đào tạo; trong phối hợp thăm khám, điều trị; tuyên truyền kiến thức về pháp luật, về cách chăm sóc sức khỏe…
Thứ năm, huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư xây dựng các cơ sở chăm sóc y tế cho người dân địa phương cũng như người lao động tại các KCN bằng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi cụ thể.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức về vai trò, trách nhiệm của chủ DN đối với NLĐ là yêu cầu bức thiết. Phải làm sao để DN thực sự xem trọng NLĐ, xem NLĐ là “tài sản” quý của DN, là động lực để thúc đẩy DN phát triển bền vững chứ không đơn thuần chỉ là công cụ để tạo ra lợi nhuận cho DN. Từ đó, DN chủ động thực hiện trách nhiệm của mình trước pháp luật, trước người lao động
Thứ bảy, với người lao động, nâng cao hiểu biết để tự bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của bản thân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho NLĐ về an toàn vệ sinh lao động nhằm tăng khả năng nhận thức được các yếu tố nguy cơ tại nơi làm việc, nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động, có ý thức tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, khám phát hiện và điều trị sớm bệnh tật...
Thứ tám, nâng cao vai trò của công đoàn các cấp, nhất là tổ chức công đoàn trong các KCN, khu chế xuất
- Công đoàn thực hiện vai trò, chức năng là người đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp đối với NLĐ, bảo đảm môi trường làm việc, sức khỏe cho NLĐ; cần nâng cao vai trò, vị thế của mình hơn nữa trong quá trình thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể như: chú trọng đề xuất đưa vào thỏa ước những quy định có lợi cho NLĐ so với quy định của pháp luật.
- Phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Công đoàn và DN trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, huấn luyện cho công nhân viên chức lao động nâng cao kiến thức pháp luật về bảo hộ lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp xảy ra trong quá trình sản xuất. Đồng thời tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, tuyên truyền trực tiếp tới công nhân lao động trong các DN có đông lao động nữ, tại các khu nhà trọ có nhiều nữ lao động trẻ, trong độ tuổi sinh sản. Cần tổ chức lồng ghép, truyền thông qua các hội nghị để tìm hiểu về sức khỏe sinh sản...
- Các cấp Công đoàn cần thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các đơn vị, DN về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ, trong đó chú trọng việc khám sức khỏe định kỳ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động, thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho công nhân, viên chức lao động.
4. Kết luận
Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi con người, đồng thời cũng là tài sản chung của quốc gia, tạo ra của cải nuôi sống bản thân, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Với người lao động, có sức khỏe để tìm kiếm việc làm, đảm bảo thu nhập, đáp ứng nhu cầu sống hàng ngày cũng như chăm lo cho sự phát triển của bản thân và gia đình. Sức khỏe không chỉ là tài sản riêng của mỗi người lao động mà còn là tài sản chung của DN, tổ chức. Vì vậy, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế giúp họ bảo đảm sức khỏe, góp phần hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh của DN là một vấn đề quan trọng và hết sức cần thiết. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho người lao động là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân và toàn xã hội.
Tài liệu tham khảo:
[1] Số liệu của Ban quản lý các KCN Đồng Nai
[2] Số liệu của Bộ Xây dựng
[3] Số liệu điều tra của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội.
[4] Hạnh Dung (2019). Chăm sóc sức khỏe người lao động: Nhiều DN chưa chú trọng, http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201909/cham-soc-suc-khoe-nguoi-lao-dong-nhieu-dn-chua-chu-trong-2963299/index.htm, xem 08/01/2021.
[5] Hà Anh Chiến (2019). Đồng Nai: Tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nữ, https://laodong.vn/cong-doan/dong-nai-tap-trung-nang-cao-chat-luong-cuoc-song-cho-lao-dong-nu-664562.ldo, xem 10/01/2021.
Th.S Trần Thị Minh Ngọc
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai