Nghiên cứu

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Nhận diện các yếu tố tác động đến hiệu quả kinh tế - xã hội của các doanh nghiệp bốn ngành công nghiệp trọng yếu

12:00 | 15/09/2021

Để phát triển nền kinh tế Việt Nam, Chính Phủ đã xác định bốn ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí chế tạo máy, hóa nhựa cao su hóa dược, tinh lương thực thực phẩm và viễn thông công nghệ thông tin. Trong thời gian qua với các chính sách, cơ chế để hỗ trợ phát triển, và với sự nỗ lực của chính mỗi doanh nghiệp trong bốn ngành này, các doanh nghiệp này đã có sự phát triển đáng kể. Để tiếp tục đóng vai trò động lực cho sự phát triển nền kinh tế, việc nhận diện các yếu tố tác động đến hiệu quả kinh tế xã hội của doanh nghiệp trong bốn ngành này là một điều cần thiết. Đó là mục tiêu của bài nghiên cứu này. Phương pháp phân tích hồi quy đa biến đã được sử dụng để phân tích mẫu 253 doanh nghiệp trong bốn ngành này tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy có bốn yếu tố tác động đến hiệu quả kinh tế xã hội của doanh nghiệp bốn ngành này theo thứ tự độ mạnh là yếu tố chính sách thể chế hỗ trợ của Chính Phủ, sự hình thành chuỗi cung ứng với nhà cung cấp, khách hàng, môi trường khoa học công nghệ và nguồn tài nguyên tri thức của doanh nghiệp. Tuy vậy, trong mỗi ngành, thứ tự độ mạnh của các yếu tố này có sự khác nhau. Từ kết quả nghiên cứu, một số đề xuất về phát triển chính sách thể chế nhà nước và sự phát triển của các doanh nghiệp trong bốn ngành này đã được đề xuất.

1. Giới thiệu

Công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế. Tại Việt Nam, từ những năm 1996, Chính Phủ đã có chủ trương đầu tư phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí chế tạo máy, tinh lương thực thực phẩm, hóa nhựa cao su hóa dược, điện tử viễn thông công nghệ thông tin. Thành Phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nên trong thời gian qua, Chính quyền Thành Phố cũng đã tập trung xây dựng các chính sách và nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu này.

Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của bốn ngành công nghiệp trọng yếu này, việc nhận diện các yếu tố tác động đến hiệu quả kinh tế xã hội của doanh nghiệp bốn ngành này là một điều cần thiết và là mục tiêu chính của nghiên cứu này.

Để đạt được mục tiêu đó, đề tài sẽ xây dựng mô hình nghiên cứu dựa trên lý thuyết doanh nghiệp dựa trên tài nguyên. Mô hình nghiên cứu được kiểm định bằng phương pháp định lượng thống kê. Do vậy, bài viết sẽ bao gồm mục 2 sẽ trình bày cơ sở lý thuyết và các giả thuyết nghiên cứu, mục 3 - phương pháp nghiên cứu, mục 4 và 5 - kết quả nghiên cứu và thảo luận các kết quả đó.

2. Cơ sở lý thuyết

Công nghiệp: Là "hoạt động kinh tế quy mô lớn, sản phẩm (có thể là phi vật thể) được tạo ra trở thành hàng hóa" (Wikipedia).

Ngành công nghiệp: Theo nghĩa nêu trên, những hoạt động kinh tế chuyên sâu khi đạt được một quy mô nhất định sẽ trở thành một ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp là một nhóm các công ty cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ thay thế cho nhau, nghĩa là các sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng cùng một nhu cầu cơ bản của khách hàng. Ví dụ, ngành truyền thông hiện nay được định nghĩa là bao gồm các công ty truyền thông, viễn thông, các công ty giải trí, và các công ty sản xuất các thiết bị như điện thoại thông minh.

Ngành công nghiệp trọng yếu: Là ngành công nghiệp giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu nền công nghiệp, có thế mạnh lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, tác động mạnh đến sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, có bốn ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí chế tạo máy (gọi tắc là cơ khí), tinh lương thực thực phẩm (gọi tắt là thực phẩm), hóa nhựa cao su hóa dược (gọi tắc là hóa nhựa cao su), điện tử viễn thông công nghệ thông tin (gọi tắt là viễn thông công nghệ thông tin).

Hiệu quả kinh tế xã hội: Hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp dựa trên sự khai thác nguồn nguyên vật liệu, vật tư, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, năng lực/năng suất sản xuất của dây chuyền thiết bị, tri thức thị trường, tri thức khách hàng, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hoạt động của doanh nghiệp sẽ tạo lợi nhuận và sự phát triển của doanh nghiệp, tạo việc làm cho xã hội, thu nhập cho người lao động. Quá trình sản xuất của doanh nghiệp và sự tiêu thụ sản phẩm cũng có thể có tác động đến môi trường sinh thái. Hiệu quả kinh tế xã hội của doanh nghiệp sẽ bao gồm hiệu quả kinh tế được đo thông qua các kết quả tài chính, thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp và hiệu quả xã hội bao gồm các đóng góp cho xã hội và các tác động đối với môi trường sinh thái.

Lý thuyết doanh nghiệp dựa trên tài nguyên:

Bài nghiên cứu này dựa trên lý thuyết doanh nghiệp dựa trên tài nguyên để xây dựng mô hình nghiên cứu. Theo lý thuyết này, kết quả thực hiện của doanh nghiệp phụ thuộc nguồn tài nguyên doanh nghiệp sở hữu và phương thức khai thác các tài nguyên đó (Penrose, 1959; Wernerfelt, 1984). Sự phân bổ tài nguyên không đồng đều giữa các doanh nghiệp sẽ tạo ra sự thực hiện khác nhau giữa các doanh nghiệp và từ đó tạo kết quả thực hiện khác nhau cho doanh nghiệp. Do đó, nếu doanh nghiệp sở hữu những tài nguyên thuộc loại quý, hiếm có, không thể bắt chước, hay thay thế, sẽ có năng lực cạnh tranh rất cao vì các doanh nghiệp khác trong cùng ngành công nghiệp không thể có được hay phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, chi phí để có những nguồn tài nguyên này. Nguồn tài nguyên của doanh nghiệp không chỉ là nhà xưởng, đất đai, dây chuyền sản xuất, mà còn bao gồm cả nguồn tri thức, đặc biệt là tri thức công nghệ, thị trường, khách hàng, tri thức quản lý (Grant, 1996) và các năng lực được tạo từ tri thức này (Talaja, 2012, Parnell, 2015), chuỗi cung ứng của doanh nghiệp (Ragu Nathal, 2006). Để tiếp tục phát triển, doanh nghiệp phải liên tục phát triển nguồn tài nguyên của mình (Penrose, 1959) thông qua việc hấp thụ hay chiếm hữu từ môi trường bên ngoài. Vì vậy, tính sẳn sàng của các nguồn tài nguyên trong môi trường kinh doanh, đặc biệt là tri thức khoa học công nghệ để doanh nghiệp có thể hấp thụ và phát triển có tác động đến hiệu quả kinh tế xã hội của doanh  nghiệp (Grant, 1996). Từ đó, để  hiểu rõ về hiệu quả kinh tế xã hội của doanh nghiệp cần tìm hiểu các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên tri thức mà doanh nghiệp có được và khả năng doanh nghiệp tiếp cận hấp thụ các nguồn tài nguyên khoa học công nghệ từ bên ngoài.

Các giả thuyết nghiên cứu:

Nguồn tài nguyên: Tài nguyên của doanh nghiệp là những yếu tố mà doanh nghiệp có thể dùng để khai thác cơ hội kinh doanh hay hóa giải các mối đe dọa từ môi trường kinh doanh (Barney, 1991).

Tài nguyên của doanh nghiệp bao gồm tất cả các tài sản, các đặc điểm của tổ chức, thông tin, tri thức…được kiểm soát bởi một doanh nghiệp để tạo khả năng cho doanh nghiệp tiếp nhận và triển khai các chiến lược để cải thiện hiệu suất và hiệu quả của doanh nghiệp (Barney, 1991).

Sản phẩm do doanh nghiệp tạo ra từ các nguồn tài nguyên của mình. Nguồn tài nguyên sẽ định hình loại sản phẩm có thể sản xuất (Wernerfelt, 1984).

Khái niệm tài nguyên của doanh nghiệp cũng đã được mở rộng để bao gồm năng lực hệ thống  máy thiết bị, sự trung thành của khách hàng, kinh nghiệm sản xuất, công nghệ sản xuất, thương hiệu, tri thức công nghệ quản lý trong nội  bộ doanh nghiệp, kỹ năng của các nhân viên, các quan hệ thương mại (chuỗi cung ứng), các các quy trình làm việc … (Wernerfelt, 1984).

Trong các nguồn tài nguyên nêu trên, tri thức là nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin tri thức công nghệ, có quan hệ tốt với nhà cung cấp công nghệ, dây chuyển sản xuất, sở hữu các bằng phát minh sáng chế và sản xuất sản phẩm dựa trên các bằng phát minh sáng chế này sẽ có kết quả thực hiện cao hơn so với các doanh nghiệp khác. Tài nguyên tri thức này là nguồn tài nguyên được nghiên cứu trong bài nghiên cứu này. Từ đó, giả thuyết sau đây được phát biểu:

H1: Tài nguyên tri thức của doanh nghiệp có tác động dương đến hiệu quả kinh tế xã hội của doanh nghiệp.

Năng lực cạnh tranh: Năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp là khả năng doanh nghiệp đó đáp ứng các kỳ vọng của khách hàng khi so sánh với các doanh  nghiệp khác cùng làm điều đó (Teece, 1997). Năng lực cạnh tranh tạo vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Năng lực cạnh tranh được tạo ra từ các nguồn tài nguyên doanh nghiệp sở hữu và cách thức doanh nghiệp khai thác các nguồn tài nguyên này. Doanh nghiệp sở hữu các nguồn tài nguyên khác nhau sẽ tạo kết quả thực hiện khác nhau được gọi là năng lực cạnh tranh.  – đó là kết quả thực hiện thực sự của một doanh nghiệp khi so sánh tương đối với các đối thủ về các tiêu chí như chất lượng, sự phân phối, tính linh hoạt, chi phí…(White, 1996). Để duy trì năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp phải luôn luôn phát triển nguồn tài nguyên (Penrose, 1959), thích nghi, tích hợp hay tái cấu trúc các kỹ năng của mình để đáp ứng liên tục nhu cầu của khách hàng (Teece & ctg., 1997). Từ đó, giả thuyết sau đây được phát biểu:

H2: Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có tác động dương đến hiệu quả kinh tế xã hội của doanh nghiệp.

Năng lực động: Năng lực động là khả năng của doanh nghiệp để tích hợp, xây dựng, tái cấu trúc các năng lực bên trong và ngoài của mình để đáp ứng môi trường đang thay đổi nhanh (Teece& ctg., 1997).Năng lực động nhấn mạnh đến sự phát triển năng lực quản lý, sự kết hợp các kỹ năng về tổ chức, sự thực  hiện các chức năng, công nghệ, tri thức mà các nhà sản xuất khác khó có được, khó bắt chước. Năng lực động sẽ giúp doanh  nghiệp nhanh chóng nhận diện các thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, thị trường và tạo các đáp ứng với các thay đổi đó. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế xã hội cao cho doanh nghiệp. Từ đó, giả thuyết nghiên cứu sau đây được phát biểu:

H3: Năng lực động có tác động dương đến hiệu quả kinh tế xã hội của doanh nghiệp.

Chuỗi cung ứng: Chuỗi cung ứng bao gồm sự tham gia của các thành viên khác nhau thực hiện một chuỗi các hoạt động trong việc di chuyển các hàng hóa vật lý hay dịch vụ từ nơi xuất phát (gốc) đến nơi tiêu thụ (Crandall & ctg., 2015). Đối với doanh nghiệp sản xuất, chuỗi cung ứng chủ yếu bao gồm nhà cung cấp, doanh nghiệp và khách hàng. Doanh nghiệp thu thập dữ liệu thông tin về nhu cầu của khách hàng và chia sẻ dữ liệu thông tin này với nhà cung cấp để tạo sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, từ đó, tạo ra thị trường và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Sự phối hợp chặt chẻ giữa doanh nghiệp, nhà cung cấp và khách hàng sẽ tạo chuỗi cung ứng mạnh và tạo năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh tế xã hội cao cho doanh nghiệp. Vì vậy, giả thuyết sau đây được phát biểu:

H4: Chuỗi cung ứng có tác động dương đến hiệu quả kinh tế xã hội của doanh nghiệp

Các yếu tố bên ngoài: Các yếu tố bên ngoài được định nghĩa là những yếu tố hay cơ chế không thuộc tầm kiểm soát của doanh nghiệp nhưng có ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Các yếu tố bên ngoài đã được quan tâm khảo sát rất nhiều dựa theo lý thuyết Cấu trúc – Thực hiện – Kết quả (Structure – Conduct – Performance SCP) (Bain,1968). Theo lý thuyết này, cấu trúc là các đặc điểm và thành phần của thị trường hay các ngành công nghiệp, là môi trường mà trong đó các doanh nghiệp trong cùng một thị trường cụ thể vận hành. Cấu trúc có ảnh hưởng đến các hoạt động của doanh nghiệp. Các yếu tố bên ngoài có thể được phân loại thành hai nhóm: Các yếu tố kinh tế và các yếu tố khoa học công nghệ. Các yếu tố kinh tế là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến các biến số kinh tế tài chính trong doanh nghiệp như lãi suất, lạm phát, tỷ giá quy đổi, các chính sách tài chính vĩ mô của nhà nước….Các yếu tố khoa học công  nghệ là những yếu tố có ảnh hưởng đến thiết kế sản phẩm, công nghệ, quy trình sản xuất, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp… Nhóm yếu tố khoa học công nghệ bao gồm tri thức khoa học công nghệ sẳn có trong môi trường kinh doanh để doanh nghiệp có thể tìm kiếm để hấp thụ, tri thức thông tin về các nhà cung cấp khoa học công nghệ kỹ thuật…Đây là những tri thức rất cần thiết cho doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đặc trưng riêng cho sản phẩm, tạo kết quả kinh doanh cao cho doanh nghiệp. Vì vậy, nhóm yếu tố khoa học công nghệ sẽ được tập trung khảo sát trong đề tài nghiên cứu này và được gọi là môi trường khoa học công nghệ. Vì vậy, một giả thuyết nghiên cứu được phát biểu như sau:

H5: Môi trường khoa học công nghệ có tác động dương đến hiệu quả kinh tế xã hội của doanh nghiệp.

Thể chế: Thể chế bao gồm các cơ chế, chính sách, định  hướng được Chính Phủ thiết lập để phát triển kinh tế xã hội. Theo lý thuyết thể chế (institutional theory), các doanh nghiệp hoạt động trong khung xã hội (social framework) bao gồm các chuẩn mực, các giá trị, các giả định được cho trước về các hành vi kinh tế thích hợp và được chấp nhận. Do đó, hoạt động của doanh nghiệp bị tác động bởi các yếu tố thể chế của môi trường đó. Sự phù hợp của hành vi doanh nghiệp đối với các kỳ vọng, các thói quen, các hành vi của xã hội có đóng góp cho sự thành công và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Khi thể chế môi trường hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp doanh nghiệp sẽ dễ dàng đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao. Do đó, một giả thuyết về tác động của thể chế đến hiệu quả kinh tế xã hội của doanh nghiệp được phát biểu như sau:

H6: Thể chế có tác động dương đến hiệu quả kinh tế xã hội của doanh nghiệp.

3. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài được thực hiện theo phương pháp định lượng thống kê 2 bước: Bước 1 – Hoàn thiện và đánh giá độ giá trị nội dung của các thang đo thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các đáp viên, các nhà nghiên cứu. Bước 2 –Thu thập dữ liệu lớn và xử lý thống kê dữ liệu theo phương pháp hồi quy đa biến.

Dữ liệu được thu thập thông qua bảng khảo sát gồm 3 phần: Phần 1 – Thông tin chung về doanh nghiệp, phần 2 – các phát biểu nội dung biến quan sát của các thang đo, phần 3 – các phát biểu liên quan mức độ hiểu biết, chuẩn bị, triển khai các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. Mẫu được thu thập theo phương pháp thuận tiện thông qua các hiệp hội nghề nghiệp, các sinh hoạt chuyên đề của cộng đồng doanh nghiệp. Thang đo cho các khái niệm nghiên cứu được kế thừa từ các nghiên cứu trước.

4. Kết quả

Thống kê mô tả mẫu:

Mẫu gồm 253 doanh nghiệp được chia ra thành các  nhóm ngành như sau:

•       Cơ khí chế tạo máy: 78 doanh nghiệp

•       Hóa dược hóa nhựa cao su: 56 doanh nghiệp

•       Tinh lương thực thực phẩm: 60 doanh nghiệp

•       Điện tử viễn thông công nghệ thông tin: 59 doanh nghiệp

Mẫu được phân bổ đều giữa 3 ngành công nghiệp trọng yếu: Ngành lương thực thực phẩm, điện tử viễn thông công nghệ thông tin và hóa dược hóa nhựa cao su. Ngành cơ khí có số mẫu lớn nhất (78 mẫu). Sự phân bố số doanh nghiệp mỗi ngành trong mẫu này khá gần với phân bố số doanh nghiệp mỗi ngành trong toàn Thành Phố Hồ Chí Minh.

Thông tin chi tiết vui lòng check trong file: File chi tiết

undefined