chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Những lĩnh vực thu hút được quan tâm lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản tại nền kinh tế Việt Nam
12:00 | 22/01/2021
Trong những năm gần đây, đất nước Việt Nam đang ngày càng thu hút được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản nhờ có sự tăng trưởng kinh tế cao và ổn định chính trị bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là thành công trong chống dịch Covid-19 trong năm 2020, quyết tâm mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ, các bộ ngành cũng như các địa phương. Bên cạnh đó là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, Nhật Bản – Trung Quốc,…chưa có dấu hiệu giảm. Diễn biến đó, đã và đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư từ các nền kinh tế lớn, trong đó có Nhật Bản rời Trung Quốc đến các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Thông qua sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính truyền thống, dựa trên các nguồn tư liệu thứ cấp của các cơ quan và đơn vị khác nhau công bố, bài viết tiến hành khái quát, tổng hợp, quy nạp, phân tích, so sánh, và đánh giá, làm rõ những nội dung nói trên, chỉ rõ 7 xu hướng đầu tư mà các doanh nghiệp đang quan tâm đến nền kinh tế Việt Nam, đưa ra khuyến nghị có liên quan.
1. Khái quát đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại nền kinh tế Việt Nam Một kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JICA) cho biết, hơn 70% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam. Những nguyên nhân chính được đưa ra, đó là, Việt Nam, một nền kinh tế mới nổi với hơn 90 triệu dân trong tầm nhìn chiến lược của các doanh nghiệp Nhật Bản có quy mô thị trường lớn, khả năng tăng trưởng cao, tình hình chính trị, xã hội ổn định. Hơn thế, chi phí nhân công của Việt Nam vẫn đang duy trì mức thấp hơn của Trung Quốc và hầu hết các quốc gia Đông Nam á. Một số nguyên nhân khác đó là, Việt Nam có những thay đổi tích cực, trong đó yếu tố tăng trưởng cao và ổn định khiến gia tăng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu, đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng. Hơn một nửa dân số Việt Nam dự kiến tham gia vào tầng lớp trung lưu, tạo ra sức hút rất lớn trong lĩnh vực dịch vụ đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. (Jica Vietnam - 2020) Hiện nay Nhật Bản đang xếp thứ 2 trong số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Số dự án được cấp phép chiếm khoảng 30% bao gồm nhiều ngành nghề. Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2020, với tổng số vốn đạt khoảng trên 8 tỷ USD, nhiều hơn quốc gia xếp vị trí thứ 2 là Hàn Quốc 1,8 tỷ USD. (VCCI - 2020) 2. Các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng quan tâm đầu tư lâu dài vào nền kinh tế Việt Nam - Thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút sự quan tâm lớn nhất của giới doanh nghiệp Nhật Bản. Cửa hàng bán lẻ thời trang Uniqlo đầu tiên tại Việt Nam được tập đoàn Fast Retailing (Nhật Bản) khai trương từ ngày 6/12/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh thu hút nhiều đối tượng khách hàng nhờ sản phẩm có giá cả hợp lý và thời trang. Uniqlo cũng đã đưa vào hoạt động cửa hàng bán lẻ thứ hai tại Hà Nội. Thời tiết tại Hà Nội gần giống như tại Nhật Bản với 4 mùa, nên các sản phẩm thế mạnh của Uniqlo như áo giữ nhiệt, áo phao siêu nhẹ sẽ bán chạy. (VCCI - 2020) Tuy nhiên điển hình về đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ đó là, đầu năm 2014, tập đoàn AEON Nhật Bản đã khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên “AEON MALL Tân Phú Celadon” với quy mô lớn nhất tại TPHCM. Gần đây nhất, đầu tháng 12/2020, Tập đoàn này tiếp tục khai trương đại siêu thị Aeon Mail lớn nhất Đông nam á tại Hải Phòng. Trước đó, đầu năm 2020, Tập đoàn này cũng khai trương siêu thị ở quận Hà Đông – Hà Nội. Đây là trung tâm thương mại thứ hai của Aeon tại Hà Nội và là trung tâm thương mại thứ 5 của Aeon tại Việt Nam, sau Aeon MALL Tân Phú Celadon, Aeon MALL Bình Dương Canary, Aeon MALL Long Biên và Aeon MALL Bình Tân. (VCCI - 2020) Tiềm năng của thị trường Việt Nam với tư cách là vùng sản xuất còn rất lớn, nhưng cũng sẽ phát triển trong thời gian tới đây với tư cách là một thị trường tiêu thụ. Từ cách đây 10 năm, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tính tới Việt Nam như là một thị trường tiêu thụ triển vọng kể từ khi từ khóa “China +1” (khái niệm chỉ cơ sở sản xuất được đặt bên ngoài Trung Quốc để phân tán rủi ro) được biết đến. Từ nhiều năm qua, giới doanh nghiệp Nhật Bản đã biết đến tiềm năng của Việt Nam vì dân số Việt Nam vẫn đang gia tăng, tầng lớp trẻ càng nhiều và thu nhập cá nhân cũng tăng lên. Song, đầu tư của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các hoạt động đơn lẻ chứ chưa thể tạo thành trào lưu lớn. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi từ vài năm gần đây. Theo phân tích của cổng thông tin trực tuyến về thống kê Statista (Đức), doanh thu của ngành thời trang Việt Nam trong năm 2019 đạt 717 triệu USD và dự kiến tăng lên 815 triệu USD trong năm 2020 và 1,065 tỷ USD năm 2024. Đây là động lực khiến tập đoàn Aeon mở rộng đầu tư tại Việt Nam và các Tập đoàn bán lẻ khác, các nhà sản xuất và cung ứng hàng hóa tiêu dùng khác của Nhật Bản đặt ra chiến lược tăng cường đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam. (VNBA - 2020) - Với sự hấp dẫn của một thị trường mới nổi, Việt Nam đang là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư Nhật Bản trong hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Trong những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã từng bước thâm nhập vào thị trường Việt Nam, đặc biệt thông qua M&A. Từ năm 2017, một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã chỉ ra rằng Việt Nam vượt Malaysia trở thành thị trường mang lại lợi nhuận đầu tư lớn nhất cho doanh nghiệp nước này. (VNBA - 2020) Số lượng giao dịch giữa DN Nhật Bản vào Việt Nam về mua bán, sáp nhập, đầu tư vốn cổ phần đã đạt kỷ lục trong 2 năm gầy đây. Nếu như 4 năm: 2015-2018 có khoảng 20 - 25 giao dịch, thì từ đầu năm 2019 đến tháng 12/2020 đã có 26 giao dịch. Các công ty Nhật Bản càng quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là sản xuất và dịch vụ. (VCCI - 2020) Nguyên nhân là do 2 nền kinh tế của Nhật Bản và Việt Nam càng tiến gần nhau hơn, càng nhiều người Việt Nam du lịch sang Nhật Bản và ngược lại. Bên cạnh đó, nhân lực Việt Nam tham gia các hoạt động kinh tế của Nhật Bản, người Nhật Bản cũng càng quen với việc tuyển dụng nhiều nhân lực Việt Nam. Cùng với Singapore, Việt Nam đang là điểm đầu tư hàng đầu của Nhật Bản trong ASEAN, tiếp theo là Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Các công ty Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào Việt Nam một phần do nhu cầu cạnh tranh sản xuất do căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc kéo dài. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam càng phát triển cũng thu hút càng nhiều các DN Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng, hàng hoá kinh doanh và nhiều ngành công nghiệp khác. Các giao dịch đáng chú ý bao gồm Công ty CP chế tạo thuốc Taisho mua cổ phần của Công ty dược Hậu Giang; Công ty Misui Corp mua cổ phần của Công ty thuỷ sản Minh Phú; Sumitomo Corp mua cổ phần của Gemadept…(VCCI - 2020) Liên quan đến các thách thức hậu M&A, thách thức của M&A chỉ bắt đầu khi đã quyết định ký kết hợp đồng M&A. Nếu 1 công ty Nhật Bản đầu tư vào 1 công ty Việt Nam không đơn giản là sáp nhập các cổ đông vào một, mà phải nỗ lực để tạo ra một bộ máy điều hành doanh nghiệp hoàn toàn mới về quản trị. Khi tư vấn cho khách hàng, một số công ty Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực này luôn hỏi doanh nghiệp Việt Nam tham gia M&A phải làm rõ các nội dung: định nghĩa của về một thương vụ M&A là gì? 3 - 5 năm sau M&A doanh nghiệp sẽ ra sao? Tầm nhìn muốn đạt được M&A là gì? Song trong thực tế, nhiều DN Việt Nam không trả lời rõ ràng được các câu hỏi đó và không nhìn ra bức tranh sau M&A sẽ là như thế nào. Trong các cuộc thảo luận, đàm phán về sự phối hợp giữa 2 bên: doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam để dự kiến tiếp theo của hậu M&A về bộ máy quản trị điều hành, chiến lược kinh doanh, quản trị rủi ro, định vị thị trường,…thì người Nhật Bản luôn dựa vào số liệu đối tác và phải hiểu những gì đang diễn ra ở phía đối tác mới bắt đầu đi thêm một bước nữa với đối tác. Điều này có thể có những khác biệt với các nhà đầu tư châu Âu. Do vậy, các DN Việt Nam cần phải hiểu cách tiếp cận của các nhà đầu tư khác nhau thì mới có chiến lược đúng. Ngoài ra, ngoại trừ một số lĩnh vực như ngành thời trang, thực phẩm và đồ uống các công ty Nhật Bản rất muốn phát triển thương hiệu riêng của mình trên thị trường toàn cầu và họ ít quan tâm đến việc phát triển thương hiệu địa phương. Tuy nhiên, một số DN Nhật Bản đã thành công trong việc hợp nhất thương hiệu sản phẩm hoặc dịch vụ của mình với các thương hiệu của các DN địa phương tại Việt Nam mà họ đã mua để cả hai công ty có thể tăng sự hấp dẫn thương hiệu của mình tại thị trường Việt Nam. Điển hình như trong các lĩnh vực phát triển bất động sản, tài chính. Do đó, việc đầu tiên các công ty Việt Nam cần làm là cần phải cải thiện giá trị thương hiệu bằng cách quảng bá các công nghệ và bí quyết từ các đối tác nước ngoài khi tham gia vào các hoạt động đầu tư cổ phần hoặc thành lập liên doanh. - Thị trường logistics ngày càng trở nên sôi động hơn khi chứng kiến làn sóng thương vụ có vốn đầu tư lớn giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong thời gian gần đây, hoạt động đầu tư, mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành dịch vụ logistics có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Trong đó, có nhiều thương vụ đầu tư vốn của các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đổ vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Ví dụ điển hình, tháng 7/2020, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã ký kết Hợp đồng liên doanh với đối tác Suzue Nhật Bản về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải và logistics. Tập đoàn Sumitomo cũng hợp tác với Công ty Suzuyo và một quỹ đầu tư chuyên về đầu tư hạ tầng của Nhật Bản, đầu tư gần 40 triệu USD để mua 10% cổ phần của Công ty cổ phần Gemadept của Việt Nam. Thông qua thương vụ trên, Tập đoàn Nhật Bản muốn xây dựng một hệ thống logistics kết nối các nhà máy với các bến cảng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Cùng với việc mua lại cổ phần tại Gemadept, Sumitomo sẽ phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động cho phép các lái xe container đăng ký trước thời gian bốc dỡ hàng tại các cảng và xử lý các cong việc giấy tờ khác. (VCBS (2020) Một dự án lớn khác đến từ Nhật Bản đầu tư lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đó là Tập đoàn Mitsui O.S.K Lines (MOL). Đầu tháng 7/2020, MOL đã khảo sát Cảng quốc tế Vĩnh Tân (VTIP) để xem xét đưa các tàu của MOL vận chuyển than nhập khẩu từ Indonesia vào cảng, bước khởi đầu cho kế hoạch đầu tư tiếp theo của tập đoàn này tại Việt Nam. Tập đoàn MOL đang nghiên cứu khả năng làm mặt hàng gỗ dăm của các doanh nghiệp trong khu vực cảng Vĩnh Tân. Trước đó, vào tháng 6/2020, MOL cùng Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ cảng biển Việt Nam (Viseco), Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông và cơ giới (HTM) và Công ty cổ phần liên kết vàng (Golden Link), thành lập Liên doanh MVG triển khai Dự án kho bãi MVG Đình Vũ – Hải Phòng. VCBS (2020) Tuy đi sau Nhật Bản, nhưng dòng vốn Hàn Quốc đổ vào lĩnh vực logistics Việt Nam lại hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội, kích thích cạnh tranh đối với các doanh ngiệp Nhật Bản trong lĩnh vực này. Thương vụ đáng chú ý là Samsung SDS – công ty con của Tập đoàn Samsung (Hàn Quppcs) bắt tay với Công ty Cổ phần logistics hàng kh (ALS) để lập Liên doanh ALSDS, tham gia kinh doanh logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Samsung SDS cũng đã ký kết với Minh Phương Logistics nhằm khai thác tiềm năng thị trường vận tải hàng hoá nội địa bằng đường bộ. (VCCI - 2020) Hiện nay ở Việt Nam có hơn 1.300 doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, từ 2 - 3% tổng số doanh nghiệp logistics, nhưng lại nắm giữ 70 - 80% thị phần của ngành, trong đó các doanh nghiệp Nhật Bản chiếm gần 40%. (Jcchvn - 2020) Các doanh nghiệp logistics Việt Nam đa phần cung cấp dịch vụ nhỏ lẻ, do tiềm lực còn yếu. Ngoài ra, do thị trường quá phân mảnh nên không hiếm trường hợp, để có hợp đồng kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải chịu chấp nhận với mức giá, phí gần như hòa vốn. Chưa kể, chất lượng dịch vụ giữa doanh nghiệp logistics Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài chênh lệch lớn, nên nhiều tập đoàn lớn vẫn lựa chọn sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp logistics nước ngoài cung cấp trọn gói dịch vụ logistics, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ cung cấp những dịch vụ rời rạc. Một công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam đang cải thiện đáng kể, xếp vị trí 39/160 nước, đứng thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore và Thái Lan) trên bảng xếp hạng hoạt động logistics 2018. Việt Nam được đánh giá có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương. (VNBA - 2020) Với những yếu tố bất lợi, cùng tiềm năng tăng trưởng từ thị trường nêu trên, việc M&A trong lĩnh vực logistics là điều tất yếu và là lựa chọn hợp lý đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản. Xu hướng phát triển trong nguồn cung dịch vụ logistics tại Việt Nam sẽ là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics để chia sẻ lợi nhuận từ khai thác lợi thế về hạ tầng và vận tải, cũng như tăng năng lực cạnh tranh để vươn đến các nấc thang cao hơn trong chuỗi dịch vụ logistics. Tuy nhiên, việc vận hành và đặc thù của Việt Nam có thể sẽ khác biệt so với kinh nghiệm của nhà đầu tư. Đây chính là phần mà đối tác Việt Nam có thể hỗ trợ. Hiện nay Việt Nam đang có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua phương thức chuyển nhượng quyền khai thác một số hạ tầng: logistics, sân bay, cảng biển…thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với các thương vụ được dự tính sẽ có quy mô hàng tỷ USD. Đây là lĩnh vực đang thực sự thu hút sự quan tâm của các nahf đầu tư Nhật Bản. - Các nhà đầu tư nước ngoài Nhật Bản đang hết sức quan tâm đến quá trình cổ phần hoá các DNNN và hợp tác công tư. Cổ phần hóa DNNN, hợp tác công tư xây trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, như: giao thông, nhà máy điện, cảng biển, tài chính, viễn thông, công nghệ thông tin và đầu tư khởi nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0 là những cơ hội mới của các doanh nghiệp Nhật Bản khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Một số dự án có quy mô vốn đăng ký đầu tư lớn điển hình như dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD do Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần 1.200 MW; Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao nhà máy nhiệt điện đốt than công suất tinh 1.320 MW...Nhiều công trình biểu tượng của Nhật bản ở Việt Nam như Cầu Nhật Tân, Nhà ga Quốc tế Nội Bài,… (Jica Vietnam - 2020) - Tính đến nay, có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong đó, Nhật Bản dẫn đầu trong 19 lĩnh vực có vốn đầu tư FDI vào Việt Nam thì ngành bất động sản đứng thứ ba. Đối với lĩnh vực bất động sản, việc nhà đầu tư Nhật Bản rót vốn vào thị trường này đã có từ rất sớm nhưng chỉ thực sự ồ ạt và tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2014, khi thị trường bất động sản Việt Nam có tín hiệu hồi phục, Tập đoàn Creed Group (Nhật Bản) đã khởi động thương vụ đầu tư vào Việt Nam thông qua ký kết hợp tác với Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy để đầu tư dự án City Gate Towers thông qua hình thức đầu tư 600 tỷ đồng mua trái phiếu dự án. (Jica Vietnam - 2020) Tiếp đó, đến nay các nhà đầu tư Nhật Bản liên tục đầu tư vào nhiều dự án lớn trong lĩnh vực bất động sản trong cả nước để phát triển nhiều dự án khu dân cư hiện đại như Nam Long, An Gia, Tiến Phát, Hòa Bình, Phúc Khang, BRG... Không dừng lại ở đó, các nhà đầu tư Nhật Bản hiện nay đang dành nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và Phú Quốc. VCBS (2020) Cũng liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bất động sản có thể thấy một minh chứng điển hình khác, đó là sự hợp tác giữa một doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng Nhật Bản - Tập đoàn Raito với một đại gia trong ngành xây dựng tại Việt Nam Công ty Cổ phần FECON. Kết quả của sự hợp tác này chính là sự ra đời của CTCP Địa kỹ thuật tiên tiến RAITO – FECON (gọi tắt là RFI). (VCCI - 2020) Các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM của Việt Nam có nền địa chất khá yếu, gần giống như các thành phố Tokyo, Osaka tại Nhật Bản. Raito đã có 70 năm kinh nghiệm trong việc cải tạo nền móng công trình, những kỹ thuật này sẽ hữu ích cho Việt Nam trong tương lai đặc biệt là những công trình ngầm đô thị tại TPHCM và Hà Nội. Trong tương lai chắc chắn những công nghệ Raito mang đến sẽ có đóng góp rất nhiều cho Việt Nam. (VCCI - 2020) Những chính sách cởi mở của chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tác động rất nhiều đến quyết định ra mắt Raito-Fecon tại Việt Nam. Thêm vào đó, khi nhìn vào chiến lược của Fecon tới năm 2025 sẽ trở thành nhóm doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về hạ tầng với mục tiêu tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ và ứng dụng công nghệ hiện đại trong thi công công trình ngầm đô thị Thêm nữa, với sự kết hợp của một FECON mạnh về thi công nền móng và một RAITO với những kỹ thuật kinh nghiệm về cải tạo đất tích lũy trong nhiều năm tại Nhật Bản, chắc chắn RFI sẽ là người đi tiên phong trong thi công cải tạo nền móng và có nhiều đóng góp cho Việt Nam trong thời gian tới. Nhìn nhận về về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân đổ vào bất động sản Việt Nam đã tăng mạnh trong hai năm 2016, 2017 lên đến 613,5 triệu USD, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Dòng vốn đầu tư của các đại gia địa ốc đến từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan và đặc biệt là Nhật Bản đã tăng mạnh. Điều này cho thấy thị trường bùng nổ một cuộc cạnh tranh khá gay gắt từ những dòng sản phẩm mang phong cách và chất lượng ngoại. (Jica Vietnam - 2020) Nguyên nhân vốn Nhật Bản đầu tư vào thị trường BĐS ngày càng tăng mạnh, các thành phối lớn như Hà Nội hay TP.HCM đều có quy mô dân số và quy mô kinh tế khá lớn. Với sự tăng trưởng kinh tế ổn định dẫn đến việc mở rộng tầng lớp trung lưu và thúc đẩy nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm các hệ thống giao thông đô thị mới, các thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhu cầu về nhà ở và bất động sản khác. Các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam với sự tương đồng về triết lý kinh doanh, chiến lược phát triển. Vì vậy, các mục tiêu hợp tác liên doanh đều sẽ mở ra một cơ hội để cung cấp cho thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là khu vực TP.HCM có thêm những khu đô thị đẳng cấp, thân thiện với môi trường. Trong xu hướng cơ cấu tổng thể các chức năng liên quan đến bán hàng và sản xuất trong và ngoài nước, việc chuyển đổi từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á của các công ty Nhật Bản vẫn đang tăng. Động lực mở rộng kinh doanh đặc biệt cao ở Pakistan (81,3%), Myanmar (70,7%), Ấn Độ (69,6%) và Việt Nam (69,5%). Như vậy khả năng các nhà đầu tư Nhật Bản gia tăng tham gia thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới là có thể dự đoán trước. VCBS (2020) Các nhà đầu tư Nhật Bản rất ấn tượng với đà phát triển của nền kinh tế Việt Nam, nhất là tốc độ tăng trưởng dân số và tăng trưởng GDP khá cao. Quan trọng hơn hết với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu cùng với việc mở rộng điều kiện cho phép sở hữu bất động sản đối với người nước ngoài, bất động sản Việt Nam đang là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản. Trước đây, Trung Quốc là điểm đến ưa thích của các nhà đầu từ Nhật Bản, nhưng khi giá nhân công và căng thẳng với Trung Quốc lên cao, từ năm 2013 các công ty Nhật Bản chuyển hướng đầu tư nhiều hơn sang khu vực Đông Nam Á. Trong xu thế này, thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản không chỉ bởi yếu tố dân số trẻ mà còn ở tốc độ đô thị hóa. Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam giai đoạn 2010-2015 đạt 3%, ngang với Thái Lan và cao hơn Indonesia, Singapore và Philippines, giai đoạn 2015-2020 là 2,6% và giai đoanh 2020-2025 dự kiến là 2,2%, cao nhất trong khu vực. VCBS (2020) Thị trường BĐS Việt Nam nói chung đang tăng trưởng mạnh nhờ nhiều chính sách mới, trong 3-5 tới sẽ tiếp tục thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, mà trong đó các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á đặc biệt là Nhật Bản vẫn chiếm đa số. Chính sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tạo động lực để phát triển, tạo sự bùng nổ cho thị trường BĐS trong thời gian tới. - Thị trường nông nghiệp tiềm năng của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng hoạt động đầu tư của họ vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Nếu như trước đây các nhà đầu tư Nhật Bản thường tập trung vào linh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lắp ráp,…thì hiện nay đã hướng nhiều hơn vào dịch vụ, nông nghiệp. Xu hướng chuyển dịch đầu tư cho thấy Việt Nam không chỉ hấp dẫn trong công nghiệp mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản,... Lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá là có tiềm năng với nhu cầu cao sử dụng sản phẩm sạch, chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có được kết quả khả quan vì họ thấy Việt Nam là thị trường hấp dẫn. Vì vậy trong thời gian tới, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác nông nghiệp với Việt Nam theo các hình thức chuyển giao công nghệ hoặc cung cấp về máy móc, thiết bị, hạt giống nhằm cải thiện phương thức canh tác nông nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tham gia CTTPP, Nhật Bản đang phải mở cửa hầu như hoàn toàn ngành nông nghiệp cho các nước thành viên CTTPP, thậm chí đối với cả các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm nhất. Do vậy, các sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản sẽ phải cạnh tranh khốc liệt về giá với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ các nước TPP khác. Trong khi đó, quy mô sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản lại khá hạn chế. Nhật Bản cần một đối tác chủ chốt để phát triển hợp tác nông nghiệp, thì Việt Nam cũng đang rất cần có đối tác lớn để hợp tác trong lĩnh vực này, vì Việt Nam có tiềm năng nông nghiệp rất lớn so với các nước thành viên khác của TPP. Khi sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ xuất khẩu nông sản về lại Nhật Bản để hưởng mức thuế nhập khẩu 0%. Đồng thời, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đáp ứng được điều kiện quy định trong TPP là các sản phẩm xuất khẩu phải có 70% hàm lượng nguyên liệu xuất xứ từ nội khối CTTPP. Hiện nay số lượng doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam càng tăng. Đơn cử như việc Công ty OTA Kaki thực hiện dự án phát triển thị trường hoa chất lượng cao, với hệ thống phân phối hiệu quả tại tỉnh Lâm Đồng...Cũng tại Lâm Đồng, Công ty Nikko Foods đang thực hiện dự án trị giá 820.000 USD về phát triển cà chua chất lượng cao. Cà chua do nông dân Việt Nam sản xuất có giá bán tại các chợ là 8.000 - 10.000 đồng/kg và bán tại siêu thị Việt Nam với giá 15.000 - 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cà chua có thể tăng lên 40.000 đồng/kg nếu như được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản. Khi xuất khẩu trở lại Nhật Bản, giá cà chua bán buôn sẽ lên tới hơn 3 USD (tương đương với hơn 66.000 đồng)/ 1 kg. (VCCI - 2020) Ngành nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển. Chẳng hạn tại Lâm Đồng, nếu như nông dân trồng hoa thay vì trồng cà phê, thu nhập của họ có thể tăng gấp 9 lần. Hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao đang là lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam tập trung tạo điều kiện thuận lợi phát triển. Minh chứng cho điều này là năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dành gói tín dụng khoảng 100.000 tỉ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. (VNBA - 2020) Bảy là, Nhật Bản đầu tư lâu dài trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng tại nền kinh tế Việt Nam Các định chế tài chính và ngân hàng lớn của Nhật Bản tăng cường đầu tư lâu dài tại Việt Nam góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng. Đến nay Nhật Bản có 15 chi nhánh và văn phòng đại diện các ngân hàng tại Việt Nam. (VNBA - 2020) Cụ thể, 5 chi nhánh ngân hàng Nhật Bản gồm Mizuho Hà Nội; Mizuho TP HCM; MUFG Bank, Ltd. Chi nhánh TP HCM; MUFG Bank, Ltd Chi nhánh TP Hà Nội; SMBC Hà Nội. Bên cạnh đó, có 9 Văn phòng đại diện ngân hàng Nhật Bản tại Việt Nam, bao gồm: Acom Co., Ltd; Fukuoka tại TP HCM; Joyo Bank, Ltd; Juroku, Ltd; Mitsubishi UFJ Lease & Finance Company Limited; Japan Bank for Internatinal Cooperation (Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản); Ogaki Kyoritsu; Resona; The Senshu Ikeda Bank, Ltd. Trong lĩnh vực chứng khoán, có Công ty chứng khoán Nhật Bản - JSI tại Hà Nội. Trong lĩnh vực bảo hiểm có Công ty bảo hiểm Dai-Ichi-Life đã hoạt động tại Việt Nam trên 10 năm. (VNBA - 2020) Đặc biệt là các Tập đoàn Tài chính – Ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản tham gia tái cơ cấu hiệu quả các Ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước cổ phần hóa, đó là Mizuho Bank, Ltd đang nắm giữ 15% vốn tại Vietcombank (VCB); MUFG Bank, Ltd sở hữu 19,73% vốn cổ phần tại Vietinbank và đang tiếp tục tăng vốn đầu tư tại ngân hàng này; Sumitomo Mitsui Banking Corp dang sở hữu 15% vốn cổ phần tại Ecximbank gần 15 năm qua. Không những sở hữu vốn cổ phần, các Tập đoàn Ngân hàng của Nhật Bản còn cử các chuyên gia tài chính có trình độ chuyên môn cao, giầu kinh nghiệm tham gia Hội đồng quản trị, Ban điều hành cao cấp của các NHTM nói trên và chuyển giao kinh nghiệm quản trị rủi ro, công nghệ ngân hàng tiên tiến cho các NHTM đang sở hữu vốn. VCBS (2020) Sự xuất hiện đông đảo các Tập đoàn Tài chính – Ngân hàng của Nhật Bản tại Việt Nam góp phần thu hút các nhà đầu tư của Nhật Bàn, đang là các khách hàng của Ngân hàng mẹ tại chính quốc đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam, cung cấp thông tin thị trường và môi trường đầu tư, tư vấn, tài trợ vốn theo dự án, tài trợ thương mại,… cho các nhà đầu tư Nhật Bản triển khai dự án tại Việt Nam. 3.Kết luận và khuyến nghị giải pháp Trong những năm tới dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng chậm lại, tuy nhiên các hoạt động đầu tư của các DN Nhật Bản vào Việt Nam sẽ không giảm đi. Mặc dù đang phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore,… nhưng các DN Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp, y tế, bất động sản, xây dựng, dịch vụ hậu cần, tài chính tại Việt Nam. Một số khuyến nghị của bài viết xin được nêu khái quát sau đây: - Các yêu cầu về phương thức quản lý và sự tuân thủ ngày càng trở nên nghiêm ngặt với các công ty Nhật Bản. Ngoài ra, các công ty Nhật Bản mới đầu tư ra nước ngoài thường không quen tập quán kinh doanh địa phương và cần có thời gian để làm quen, đặc biệt là nền kinh tế Việt Nam. Việc quá thận trọng và thiếu quyết đoán của các DN Nhật Bản trong thỏa thuận M&A, nơi đòi hỏi các quyết định sáng suốt và hành động nhanh chóng cũng khiến cho các nhà đầu tư Nhật Bản gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các cơ hội từ hoạt động M&A. Vì vậy các DN Việt Nam và các cơ quan chức năng của Việt Nam cần kiên trì, cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ và thống nhất trong các cuộc làm việc và giao dịch với các nhà đầu tư Nhật Bản. - Hiện nay vẫn có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chăm chú vào mục đặt đích đầu tiên là tìm kiếm lợi nhuận, muốn đầu tư sinh lợi ngay nên lo sợ thất bại nếu mạo hiểm đầu tư lâu dài vào Việt Nam. Hai bên có những thuận lợi như sự gần gũi trong địa lý và văn hóa, nhưng người Nhật Bản có yêu cầu khắt khe về môi trường đầu tư, từ những điều nhỏ nhặt như vệ sinh, ăn uống đến chính sách ưu đãi đầu tư...Vì vậy các DN Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần hết sức quan tâm đến những vẫn đề này trong các kế hoạch M&A, thu hút và mời gọi đầu tư từ các DN Nhật Bản. - Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá ngành nông nghiệp ở Việt Nam đang phát triển, tuy nhiên, chủ yếu vẫn là phương thức kinh doanh ở quy mô nhỏ và hộ gia đình. Do đó, hiện nay nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vẫn chưa đổ vốn nhiều vào lĩnh vực này bởi những khó khăn về mặt chính sách. Để thu hút được các nhà đầu tư Nhật Bản, Chính phủ và các địa phương của Việt Nam cần giải quyết các vấn đề về tích tụ và tập trung ruộng đất, nâng mức hạn diền, chính sách cho thuê đất đai nông nghiệp lâu dài, đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và sản xuát nông nghiệp. Ngoài ra, ngành nông nghiệp công nghệ cao sẽ có nhiều triển vọng khi được tạo điều kiện thuận lợi hơn về chính sách và gói tín dụng của Chính phủ được triển khai có hiệu quả. - Thủ tục hành chính như đã đề cập ở trên và đề cập nhiều lần cũng là vấn đề lực cản lớn đối với các DN Nhật Bản đến Việt Nam. Thủ tục kéo dài, thiếu minh bạch về tài liệu, thiếu các tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Anh và cán bộ Việt Nam thông thạo tiếng Anh trong giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó là những chi phí tiêu cực, bôi trơn bộ máy hành chính, gây khó chịu cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Thủ tục nhập cảnh tại Sân Bay kéo dài. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, chi phí không chính thức trong chuỗi Logistics,..cũng là những trở ngại rất lớn thu hút các DN Nhật Bản đến Việt Nam. Đây là những vấn đề đòi hỏi Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương và các DN Việt Nam hết sức quan tâm, tháo gớ. - Tốc độ cổ phần hóa DNNN, tỷ lệ khống chế một nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa tại một NHTM cũng là những vấn đề cần tháo gỡ. Chính phủ nên cho phép tỷ lệ sở hữu tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài tại một NHTM nên tăng lên 25%. Nguồn tài liệu tham khảo: Jica Vietnam (2020): Truy cập tại: https://www.jica.go.jp/english/ir/index.html: các mục: News&Features; Countries&Regonal; Invesors Relation; thời gian truy cập trong các ngày từ 19/12 đến 29/12/2020 Jcchvn (2020); truy cập tại: https://jcchvn.org/jp/about.php; các mục truy cập có liên quan, thời gian truy cập trong các ngày từ 19/12 đến 29/12/2020 VCCI (2020): Truy cập tại: https://vcci.com.vn/; tại các mục: Thông tinị doanh nghiệp, hồ sơ thị trường, tintuc 24/7; thời gian truy cập trong các ngày từ 19/12 đến 29/12/2020 VNBA (2020): Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (2020); truy cập tại www.vnba.org.vn: Thông tin hoạt động các NHTM hội viên, tháng 11/2020 và tháng 12/2020; truy cập từ ngày 20/12/2020 đến 29/12/2020 VCBS (2020): Công ty chứng khoán VCB: Thông tin phân tích thị trường tài chính, hàng tháng, gửi các nhà đầu tư qua email đăng ký của nhà đầu tư; từ tháng 5 đến tháng 12/2020 PGS.,TS. Nguyễn Đắc Hưng Th.S. Nguyễn Thị Ngọc Yến Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên