chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Phân tích chuỗi giá trị Mắc ca tại ĐĂK NÔNG
12:00 | 04/06/2021
Mục tiêu chính của nghiên cứu này là đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao chuỗi giá trị mắc ca tại Đắk Nông trong giai đoạn 2021-2030. Với việc vận dụng phương pháp chuỗi giá trị của GTZ, M4P đề xuất làm cơ sở lý thuyết cho cách tiếp cận vấn đề. Kết quả phân tích chuỗi giá trị mắc ca tại Đắk Nông cho thấy mối quan hệ giữa các tác nhân trong chuỗi còn rời rạc, chưa có sự gắn kết. Do đó, chưa tạo được giá trị cao cho chuỗi mắc ca của tỉnh trong thời gian qua.
1.Mở Đầu
Đắk Nông là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên có chế độ khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới: ngày nóng, đêm lạnh, ít chịu ảnh hưởng của bão. Do đó, Đắk Nông là nơi có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây Mắc ca. [10]. Với mong muốn cây mắc ca có thể được phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng của tỉnh, nhằm tạo ra sản phẩm hạt mắc ca có giá trị cao, sản xuất theo hướng ổn định, bề vững, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc thiết lập và phân tích các tác nhân trong chuỗi giá trị Mắc ca tại Đăk Nông có vai trò quan trọng trong việc xác định lợi ích cũng như vai trò của các tác nhân trong chuỗi. Khi chuỗi cung từ các yếu tố đầu vào và đầu ra được tổ chức tốt và hoàn thiện sẽ làm cho chuỗi giá trị được nâng cao về mặt giá trị.
2.Nội dung nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết
2.1.1. Khái niệm chuỗi giá trị
Theo nghĩa rộng, chuỗi giá trị là một phức hợp những hoạt động do nhiều người tham gia khác nhau thực hiện (người sản xuất sơ cấp, người chế biến, thương nhân, người cung cấp dịch vụ …) để biến nguyên liệu thô thành thành phẩm được bán lẻ.
Chuỗi các hoạt động chức năng, từ cung cấp các dịch vụ đầu vào cho một sản phẩm cụ thể cho đến sản xuất, thu hái, chế biến, phân phối, marketing và tiêu thụ cuối cùng; qua mỗi hoạt động lại bổ sung „giá trị‟ cho thành phẩm cuối cùng.
Sự sắp xếp có tổ chức, kết nối và điều phối người sản xuất, nhà chế biến, các thương gia, và nhà phân phối liên quan đến một sản phẩm cụ thể.
Mô hình kinh tế tiên tiến trong đó kết hợp chặt chẽ giữa việc chọn lựa sản phẩm và công nghệ hiện đại thích hợp (hạ tầng, viễn thông…) cùng với cách thức tổ chức các tác nhân liên quan (sản xuất, nhân lực…) để tiếp cận thị trường [1,5]
2.1.2. Phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị
Phương pháp chuỗi giá trị của GTZ, M4P đề xuất. Đây là cách tiếp cận mang tính trung gian giữa tiếp cận toàn cầu của Kaplinsli và Morris (2001) và tiếp cận “Filière”. Cách tiếp cận này được các tổ chức hỗ trợ phát triển đề xuất như M4P, GTZ và ACDI/VOCA. Cách tiếp cận này về bản chất theo nghĩa rộng, phân tích quan hệ vật chất, tiền tệ và thông tin cũng như điều phối và liên kết giữa các nhân trong chuỗi, nhưng ứng dụng ở quy mô một địa phương trong phạm vi biên giới quốc gia là chính.
Cách tiếp cận này không quan tâm đến sự đóng góp của chuỗi giá trị vào nền kinh tế quốc gia mà chú trọng vào lợi ích và phân phối lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi.
Phuơng pháp tiếp cận liên kết chuỗi giá trị (ValueLinks) của Eschborn GTZ được tổng hợp từ việc đúc kết những kinh nghiệm trong thực tế cuộc sống, từ những chương trình phát triển nông thôn và thúc đẩy khu vực tư nhân được GTZ hỗ trợ. [1]
2.2. Kết quả nghiên cứu
Hạt mắc ca có hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon, đặc biệt thích hợp trong chế biến thực phẩm. Mặc dù hạt Mắc ca có hàm lượng dầu cao nhưng trên 80% là chất béo đơn chưa bão hòa, có lợi cho sức khỏe và giúp làm giảm các bệnh về tim mạch. Bên cạnh những giá trị lớn của hạt, cây Mắc ca còn mang nhiều ưu điểm khác như là loài cây chịu hạn và kháng sâu bệnh tốt khá thích hợp cho nhiều vùng. [2]
Chuỗi giá trị mắc ca ở Đăk Nông bao gồm: Các hộ nông dân trồng mắc ca; Các đơn vị thu mua; Các đơn vị chế biến, Đại lý bán buôn/bán lẻ, Người tiêu dùng và các hiệp hội các trung gian và các tổ chức có ảnh hương. Các hiệp hội các trung gian và các tổ chức có ảnh hương chính trong chuỗi giá trị mắc ca của Đăk Nông là: Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Trung tâm khuyến nông tỉnh Đăk Nông, Phòng NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, Các hợp tác xã liên minh, Nhà nước, UBND tỉnh Đắk Nông.
Hình 1: Mô hình trực quan về chuỗi giá trị mắc ca của Đắk Nông
Kênh1:
Kênh 2:
Hiện tại, mối quan hệ và liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi còn yếu. Hầu hết các tác nhân hoạt động độc lập và không có hoặc có rất ít mối quan hệ giữa các tác nhân với nhau. Thiếu sự chia sẻ thông tin, tình trạng mạnh ai người nấy làm nên hiệu quả đem lại của chuỗi mắc ca tại Đắk Nông chưa cao. Không có mối quan hệ chặt chẽ nào giữa các đơn vị thu mua với nhau cũng như với đơn vị chế biến. Các đại lý và đơn vị chế biến là người đưa ra giá thu mua trong chuỗi giá trị. Rất ít các đơn vị ngoài tỉnh (ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các đơn vị chế tạo máy sấy, máy chẻ, và máy phân loại hạt) có mối liên kết trực tiếp với người nông dân.
2.2.1. Các hộ trồng mắc ca
Cho đến nay tỉnh Đăk Nông đứng đầu trong cả nước về diện tích mắc ca, khoảng 900 ha trong đó tập trung chủ yếu tại hai huyện Tuy Đức 705 ha, Đăk G’long 161 ha và rải rác ở một số huyện khác. Cụ thể tại Tuy Đức mắc ca được trồng tập trung ở tại địa bàn 5 xã là Đắk Búk So, Đắk R’tíh, Quảng Tâm, Quảng Tân, Quảng Trực [6]. Số nông hộ trồng mắc ca tăng lên nhanh chóng từ năm 2015 đến nay tuy nhiên các hộ trồng mắc ca đều có những đặc điểm chung: Thiếu kiến thức về kỹ thuật chọn giống, kỹ thuật trồng, thu hoạch và bảo quản hạt sau khi thu hoạch. Người dân tại xã Quảng Tâm (Tuy Đức) thừa nhận rằng ngoài việc chưa nắm rõ quy trình chăm sóc cây như thế nào, nhiều hộ nông dân ở đây cũng không thể phân biệt được đâu là giống đảm bảo chất lượng và phù hợp với địa phương. Hầu hết nông dân khi trồng mắc ca đều mua giống một cách cảm tính.[7].
Ngoài ra với thời gian trồng từ 5-7 năm trở lên cây mắc ca mới cho thu hoạch, nên người dân đang gặp các vấn đề về nguồn vốn, lãi vay và các gói tín dụng chưa thực sự phù hợp. Hiện nay ngoài ngân hàng LienVietPostBank, có rất ít ngân hàng tham gia cho người nông dân vay vốn trồng mắc ca và lượng vốn mới chỉ cho vay theo mùa vụ.[10]
2.2.2. Các đơn vị thu mua/thương lái
Phần lớn các đơn vị thu mua này là các cá nhân, đơn vị nhỏ lẻ, tự phát trong các xã, huyện tại Đắk Nông. Các thương lái thường tới tận các vườn, nhà dân để thu mua. Các đơn vị thu mua chưa có nhiều kiến thức, chưa nắm rõ những tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm hạt mắc ca trên thị trường cũng như chưa có kỹ thuật bảo quản hạt sau khi thu gom về.
Vai trò trung tâm của các đơn vị này là thu gom cho các thương nhân hoặc nhà chế biến lớn trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay chưa có cơ chế giá chung để họ tham khảo mà phần lớn đưa ra giá mua dựa trên độ lớn của lô hàng, kích thước hạt,..do đó thường xuyên xảy ra tình trạng ép giá nông dân.
2.2.3. Các đơn vị chế biến
Mắc ca là cây công nghiệp mới ở nước ta, do đó ngành công nghiệp chế biến mắc ca chưa được phát triển và còn rất ít sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng phát triển từ nhà nước. [8] Hiện nay, phần lớn các đơn vị chế biến mắc ca ở Đắk Nông đều là của tư nhân, hoặc các tổ chức hợp tác xã họ tự phát. Mức độ đầu tư máy móc thiết bị còn hạn chế, đa phần các đơn vị đầu tư các máy móc thô sơ, chủ yếu đầu tư các thiết bị đơn giản để thực hiện quy trình xử lý cơ bản, bao gồm: bóc vỏ xanh, sấy, làm nứt vỏ, phân loại hạt và đóng gói chân không. Phần lớn các đơn vị chế biến này chưa có nhiều kiến thức và kỹ thuật chế biến và bảo quản hạt mắc ca sau thu hoạch. Kiến thức họ có được chủ yếu là xem và học hỏi các nước khác thông qua internet. Họ đánh giá chất lượng dựa trên kích cỡ hạt, độ ẩm, độ chín và khối lượng lô hàng để đề xuất các mức giá. Nên đôi khi giá mua hạt chênh lệch nhau rất nhiều. Nhiều đơn vị chế biến không kiểm định được chất lượng sản phẩm hạt mắc ca sau khi đã sấy khô, chẻ nứt và đưa ra thị trường.
Ngoài việc gia tăng giá trị cho mắc ca bằng cách sấy khô, chẻ nứt, và đóng gói hạt mắc ca, các đơn vị chế biến cũng đóng vai trò là thương nhân, họ thực hiện công việc xây dựng thương hiệu, quảng cáo, tìm kiếm khách hàng và thương lượng giá cho sản phẩm. Hiện nay chưa có cơ quan nào quản lý, đưa ra một cơ chế giá chung cho việc đề xuất mức giá của các đơn vị chế biến này.
2.2.4. Đại lý (Nhà bán buôn, bán lẻ)
Hạt mắc ca từ Đắk Nông chủ yếu được bán ở dạng thô (đã sấy nứt) cho các đại
lý, các cơ sở bán buôn, bán lẻ. Các đại lý này sẽ cùng với các đơn vị chế biến xây dựng thương hiệu, quảng cáo, tìm kiếm khách hàng và thương lượng giá cho sản phẩm.
2.2.5. Người tiêu dùng
Hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng 78 triệu người sử dụng nhân mắc ca hàng ngày. Tổng sản lượng nhân mắc ca hàng năm đạt khoảng 40.000 tấn (tương đương 120.000 tấn hạt). [ Theo tổng hợp Hiệp hội mắc ca Việt Nam - 2019]
Tại Việt Nam, hiện nay hạt mắc ca bước đầu được đón nhận và ưa thích. Lượng người tiêu dùng sản phẩm mắc ca chắc chắn tăng lên do mức sống ngày càng được nâng cao và đặc biệt là do nhận thức ngày càng mở rộng về các lợi ích do hạt mắc ca mang lại.
Đối tượng khách hàng sản phẩm mắc ca thường có hiểu biết cao, thu nhập cao và rất khắt khe về vấn đề chất lượng, xuất xứ cũng như thương hiệu của sản phẩm. Họ yêu cầu sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, được trồng, thu hoạch và chế biến trong điều kiện sản xuất bền vững, môi trường thân thiện. Đồng thời, họ yêu cầu về độ tinh tế về khẩu vị, bao bì, nhãn mác cũng như mọi chi tiết liên quan của sản phẩm. [4] Hạt mắc ca thuộc phân khúc thị trường nông sản cao cấp nên người trồng, các nhà sản xuất không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới đều cần lưu ý đến yếu tố chất lượng sản phẩm. Phải làm tất cả để khi hạt mắc ca đến với người tiêu dùng trước hết phải thơm, ngon sau đó mới tính đến tác dụng của dinh dưỡng, bồi bổ sức khỏe. [4]
2.2.6 Các tổ chức phi chính phủ, tổ chức trung gian, hiệp hội
Công tác nghiên cứu và quản lý giống cây trồng của tỉnh và hiệp hội ban ngành chưa phát huy được hiệu quả. Hiện nay đang có tới hơn 13 dòng giống mắc ca được trồng khắp vườn rẫy của người dân hầu hết người dân tại Đắk Nông. [7]. Do đó, cần có sự đầu tư nghiên cứu và vào cuộc của các sở ban ngành có liên quan trong việc phân tích và xác định giống cây trồng phù hợp từng tiểu vùng của Đắk Nông trong thời gian tới.
Việc thành lập các liên minh hợp tác xã bước đầu đem lại hiệu quả tại Tuy Đức: Liên minh HTX tỉnh Đăk Nông đã hỗ trợ máy rang sấy hạt mắc ca cho HTX Nông nghiệp xanh Tuy Đức. HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực cũng được Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm mắc ca sấy khô. Ngoài ra, huyện Tuy Đức đã triển khai hỗ trợ các chủ cơ sở sản xuất xây dựng, tư vấn thiết kế, in ấn bao bì sản phẩm, đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là cơ sở để các địa phương sớm đạt các tiêu chí chứng nhận sản phẩm OCOP đang được tỉnh Đắk Nông triển khai. [9]
Huyện cũng sẽ tăng cường hỗ trợ đưa các sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu tại những hội chợ thương mại để quảng bá thế mạnh, tiềm năng, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ…
2.3. Giải pháp
Thiết lập mô hình hợp tác dọc để tăng cường liên kết, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các tác nhân trong chuỗi với sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan. Hoàn thiện chính sách bốn nhà (nhà nước, nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học) tạo thành chuỗi thống nhất trong hoạt động sản xuất. Tăng cường các hình thức liên doanh, liên kết, mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào phát triển sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu
Tỉnh cần có chính sách khuyến khích nhân dân chuyển đổi những diện tích trồng màu có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mắc ca.
Các ngân hàng cần có chính sách ưu đãi về lãi suất, kỳ hạn vay tái cấp vốn và xây dựng các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với đặc thù của cây mắc ca để nông dân yên tâm đầu tư canh tác. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong vấn đề vay vốn, cung cấp thông tin về các nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án đến từng hộ gia đình.
Các hiệp hội mắc ca, phòng NN & PTNT cần tập huấn cho các hộ nông dân có kiến thức về về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản hạt mắc ca cũng như kiến thức về kinh doanh, quản lý trang trại. Hướng dẫn các biện pháp thu hái mắc ca đảm bảo theo đúng kỹ thuật, thời vụ nhằm giảm tỉ lệ quả non, hoặc quá già ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và ảnh hưởng đến sản lượng mắc ca của năm sau.
Cần phải có chính sách đầu tư nghiên cứu về các dòng mắc ca với sinh thái tiểu vùng địa phương. Xây dựng phương án, hợp đồng liên kết sản xuất giống với các vườn sản xuất giống xã hội hoá trên địa bàn. Cùng với việc đánh giá sinh trưởng, phát triển của giống mắc ca tại địa bàn 5 xã của huyện Tuy Đức là Đắk Búk So, Đắk R’tíh, Quảng Tâm, Quảng Tân, Quảng Trực để tìm ra giống cây có năng suất và chất lượng cao. Ngoài ra công tác quản lý, kiểm soát giống cây mắc ca của các ngành chức năng cần chặt chẽ hơn
Tỉnh Đắk Nông cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đầu tư để trồng mắc ca. Đầu tư xây dựng, quy hoạch các nhà máy chế biến hạt mắc ca tại khu vực huyện Tuy Đức, nơi có diện tích mắc ca trồng nhiều nhất tỉnh.
Nông dân, đơn vị chế biến, các đơn vị bán buôn/ bán lẻ cần phối hợp quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu mắc ca Đắk Nông bằng cách: Tham gia các sự kiện: hội chợ, triển lãm. Quảng bá thương hiệu gắn với xây dựng kênh phân phối tại các tỉnh, thành lớn. Kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng hệ thống bán hàng trực tuyến cũng là giải pháp phù hợp trong thời đại 4.0 hiện nay.
Đẩy mạnh việc tạo chuỗi liên kết tiêu thụ hạt mắc ca tại các chuỗi siêu thị, tuyến điểm du lịch. Song song với việc bán các sản phẩm thô ra thị trường, các cơ quan hữu quan cần xây dựng chiến lược theo hướng giải quyết được thị trường tiêu thụ cho cây mắc ca: liên kết ngành chế biến và xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Các hộ nông dân tạo sự liên kết ngang bằng cách tập hợp thành các Hợp tác xã, Hiệp hội, cơ chế vận hành mô hình dựa trên các hình thức hợp đồng kinh tế giữa các tác nhân trong chuỗi và cơ quan hữu quan. Vận động nông dân liên kết thành lập các Tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Trên cơ sở đó sẽ tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tiêu thụ gắn với vùng sản xuất theo hướng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Áp dụng những tiến bộ KHCN từ khâu bảo quản đến chế biến nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành từ đó tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.
Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hàng hóa nhằm giám sát quy trình sản xuất, đồng thời phối hợp với cấp chính quyền trong việc áp dụng đúng KHKT;
Người nông dân cần kết hợp chặt chẽ với các trung tâm khuyến nông để có thể tiếp cận kỹ thuật trồng mới, lựa chọn giống cây trồng cho năng suất và chất lượng cao. Tránh tình trạng trồng ồ ạt, tự phát không mang lại hiệu quả. Áp dụng những tiến bộ KHCN từ khâu chăm sóc, bảo quản. Nâng cao sự hiểu biết về ngành thông qua việc kết nối với các sở ban ngành, tham gia hội thảo.
3.Kết luận
Để phát triển bền vững chuỗi giá trị mắc ca tại Đắk Nông cần nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc tạo thêm giá trị ở mỗi khâu và phân chia hài hòa trong chuỗi. Từ đó, sẽ góp phần làm tăng chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh của mắc ca so với mắc ca ngoại, cải thiện thu nhập của nông dân và đảm bảo sự phát triển bền vững cây trồng này trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu là nguồn tài liệu tham khảo cho các tác nhân trong chuỗi giá trị mắc ca Đắk Nông trong việc nâng cao vai trò của mình trong chuỗi. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu không tránh khỏi những hạn chế từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thứ nhất, nghiên cứu chỉ mới khảo sát và đánh giá tại 5 xã của huyện Tuy Đức. Thứ hai, phương pháp tiếp cận chưa phong phú: khảo sát thực tế, báo đài, qua những nghiên cứu trước. Những hạn chế của nghiên cứu chính là định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo trog tương lai.
Tài liệu tham khảo
[1] Cẩm nang ValueLinks (2007), Phương pháp luận để thúc đẩy chuỗi giá trị, GTZ Eschborn;
[2] Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Tỉnh ủy – UBND tỉnh Lâm Đồng (2015), Kỷ yếu Hội thảo chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên
[3] Queensland Government (2004), Macadamia grower’s handbook
[4] Diana Quiroz, Barbara Kuepper, James Wachira, Andrew Emmott (2019), Value Chain Analysis of Macadamia Nuts in Kenya
[5] Lê Khả Tuấn (2017), Luận văn ThS. Phân tích chuỗi giá trị cây cao su tại tỉnh Kon Tum
[6] Dương An Như (2020), Phát triển mắc ca ở Đắk Nông: Cần sự vào cuộc của nhiều nhà,.https://kinhtenongthon.vn/phat-trien-mac-ca-o-dak-nong-can-su-vao-cuoc-cua-nhieu-nha-post35144.html
[7] Công Tính, Phan Tuấn, Mắc ca đang “ mắc cạn” (kỳ 2): Nông dân mò mẫm với cây giống (2019) https://daklak24h.com.vn/tin-kinh-te/49370/mac-ca-dang-mac-can-ky-2-nong-dan-mo-mam-voi-cay-giong.html
[8] Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Góc nhìn địa biểu: Giải pháp nào cho phát triển bền vững cây mắc ca? (2021), https://kiemsat.vn/goc-nhin-dai-bieu-giai-phap-nao-cho-phat-trien-ben-vung-cay-mac-ca-61133.html
[9] Viện cây giống trung ương, Đắk Nông: “Cây tỷ đô” mắc ca đổi đời xã vùng xa Tuy Đức, http://viencaygiongtrunguong.com/dak-nong-cay-ty-mac-ca-doi-doi-xa-vung-xa-tuy-duc/
[10] Lê Vương, Huyện Tuy Đức – Đắk Nông: Vươn mình trở thành “ Thủ phủ mắc ca” Tây Nguyên (2020) https://conglyxahoi.net.vn/congly-24h/huyen-tuy-duc-dak-nong-vuon-minh-tro-thanh-thu-phu-mac-ca-tay-nguyen-48088.html
Nguyễn Thị Kim Tín
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai