chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Quy mô và cơ cấu thu ngân sách hợp lý: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
12:00 | 14/09/2021
Quy mô và cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, thích ứng với bối cảnh kinh tế - xã hội trong các năm gần đây. Tuy nhiên, nhìn chung chưa thực sự hợp lý. Vì vậy, Việt Nam cần tham khảo thực tiễn các quốc gia để nghiên cứu xác định quy mô và cơ cấu thu NSNN hợp lý. Bài viết thực hiện phân tích, đánh giá quy mô và cơ cấu thu NSNN tại Thái Lan, Singapore và Trung Quốc, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm giúp Việt Nam có quy mô và cơ cấu thu NSNN hợp lý.
1. Kinh nghiệm của các nước
a) Kinh nghiệm của Thái Lan
Thái Lan đã thực hiện nhiều biện pháp về chính sách thuế. Cụ thể:
Về thuế giá trị gia tăng, tại Thái Lan hầu hết các dịch vụ đều phải chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 7%, ngoại trừ một số dịch vụ như bán sản phẩm nông nghiệp, sách và các loại báo chí. Tuy nhiên, để kích cầu du lịch, tại một số cửa hàng, siêu thị đều thực hiện chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch. Thông thường, mức hoàn thuế sẽ là hoàn tuyệt đối 7%, riêng đối với hàng hóa giá trị thấp sẽ hoàn 4% đến 5%.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với hầu hết các loại hình hoạt động kinh doanh tại Thái Lan, bao gồm cả những tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Thái Lan hoặc có thu nhập từ Thái Lan, dù những công ty này có thực hiện hoạt động kinh doanh tại Thái Lan hay không, đều phải chịu một mức thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận của công ty. Mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thông thường là 30%.
Về thuế thu nhập cá nhân của Thái Lan được tính theo mức lũy tiến, thấp nhất là 0% và cao nhất là 35%. Độ chênh lệch giữa hai mức tiệm cận là 5%. Cụ thể: thu nhập từ 1 – 150.000 bath Thái là 0%, 150.001 – 300.000 bath Thái là 5%, 300.001 – 500.000 bath Thái là 10%, 500.001 – 750.000 bath Thái là 15%, 750.001 – 1.000.000 bath Thái là 20%, 1.000.001 – 2.000.000 bath Thái là 25%, 2.000.001 – 5.000.000 là 30% và trên 5.000.001 là 35%, mức thuế cao nhất này đã được nâng từ năm 2017 từ hơn 4 triệu bath lên hơn 5 triệu bath. Bên cạnh đó, từ năm 2017, Thái Lan cũng đã nâng ngưỡng giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là vợ hoặc chồng, không có thu nhập từ 30 nghìn lên 60 nghìn bath (nếu vợ hoặc chồng có thu nhập chịu thuế thì khoản giảm trừ tối đa cho cả hai tăng từ 60 nghìn bath lên 120 nghìn bath); đối với người phụ thuộc là con nâng từ 15 nghìn bath /con (giới hạn số con là 03) lên 30 nghìn bath /con (không giới hạn số con), tuy nhiên hủy bỏ trợ cấp 2 nghìn bath cho mỗi con đến trường.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt, Thái Lan đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 20 nhóm hàng hóa và dịch vụ như dầu mỏ, một số đồ uống như rượu bia, nước ngọt có ga không cồn, một số loại sản phẩm điện tử, sản phẩm pin, thủy tinh và pha lê, mô tô, xe vận hành trên mặt nước, nước hoa và mỹ phẩm, đá granit và marble… Đặc biệt, đối với sản phẩm thuốc lá, một trong những sản phẩm gây hại cho sức khoẻ người sử dụng, Thái Lan tính thuế suất cao và áp dụng phương pháp hỗn hợp với mức 87% cộng với 0,03 USD/gram. Đối với mặt hàng là phương tiện giao thông, Thái Lan cũng áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt phân biệt theo dung tích xi lanh. Xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng thuộc nhóm được khuyến khích sản xuất nên có mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thấp. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô của Thái Lan nằm trong khoảng từ 3-50%. Đối với nước ngọt có ga, đây là mặt hàng chỉ có một số nước áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, và Thái Lan quy định nước ngọt có ga không cồn chịu mức thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai 440cc. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại nước không có ga thấp hơn nước ngọt có ga, ở mức 20% hoặc 0,011 USD/chai 440cc.
b) Kinh nghiệm của Singapore
Singapore đã thực hiện những chính sách thuế với hệ thống thuế đơn giản và thân thiện, góp phần vào cơ cấu thu NSNN hợp lý. Cụ thể:
Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Hiện nay, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Singapore cố định ở mức 17%. Nếu so với thời kì 1997 với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 26% thì thuế suất đã được giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, Singapore cũng cung cấp một loạt các chương trình miễn giảm và ưu đãi thuế nên số thuế thực tế phải nộp có thể thấp hơn mức 17%. Thêm vào đó, Singapore chỉ đánh thuế suất trên lợi nhuận của công ty chứ không đánh thuế trên lãi vốn, cổ tức và với việc ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã cho phép các công ty thành lập tại Singapore và mở rộng ra quốc tế mà không phải trả thêm thuế đối với thu nhập có nguồn gốc nước ngoài. Điều này đã khuyến khích không những các doanh nghiệp được thành lập mới trong nước, mà còn tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn thành lập tại Singapore. Hạn chế được việc trốn, tránh thuế do thuế suất đã thấp lại có nhiều ưu đãi nên các doanh nghiệp sẽ tuân thủ các chính sách thuế đưa ra.
Về thuế hàng hóa và dịch vụ (GST): Đây là loại thuế tiêu thụ được đánh vào việc mua hàng hóa và dịch vụ, cũng như hàng hóa được nhập khẩu vào Singapore. GST giống như thế giá trị gia tăng (VAT) ở một số nước và được triển khai từ năm 1994. Việc ban hành GTS giúp giảm gánh nặng thuế thu nhập cho doanh nghiệp và cá nhân. Singapore đánh thuế hàng hóa và dịch vụ 7% đối với hầu hết các hàng tiêu dùng thông thường và hàng hóa nhập khẩu. Việc đánh một mức thuế suất như vậy sẽ giúp cho việc tính toán được nhanh gọn, không gây nhầm lẫn trong quá trình tính thuế suất GTS của doanh nghiệp. Đây cũng là mức thuế suất tương đối thấp trong khung thuế suất của các nước khác, điều này sẽ giúp cho việc tiêu thụ hàng hóa được nhiều, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình bán hàng, và người tiêu dùng cũng không phải chi trả thêm khoản thuế cao.
Về thuế thu nhập cá nhân : Singapore áp dụng thuế thu nhập cá nhân cho đối tượng cư trú theo mô hình lũy tiến đối với mức thuế từ 0% đến 22% tùy thuộc vào mức thu nhập. Quá trình lũy tiến, thuế suất cũng nhích lên không nhiều. Cụ thể:
Thu nhập chịu thuế (Đơn vị tính: SGD) |
Thuế suất |
20.000 đầu tiên |
0% |
10.000 tiếp theo (Trên 20.000 đến 30.000) |
2% |
10.000 tiếp theo (Trên 30.000 đến 40.000) |
3,5% |
40.000 tiếp theo (Trên 40.000 đến 80.000) |
7% |
40.000 tiếp theo (Trên 80.000 đến 120.000) |
11,5% |
40.000 tiếp theo (Trên 120.000 đến 160.000) |
15% |
40.000 tiếp theo (Trên 160.000 đến 200.000) |
18% |
40.000 tiếp theo (Trên 200.000 đến 240.000) |
19% |
40.000 tiếp theo (Trên 240.000 đến 280.000) |
19,5% |
40.000 tiếp theo (Trên 280.000 đến 320.000) |
20% |
Mức tiếp theo (Trên 320.000) |
22% |
Trong khi đó, một số nước khác có mức thuế suất cao nhất là 30% (Myanmar), 35 % (Philippines), 42% (Luxembourg), thì mức thuế suất như thế này của Singapore là tương đối thấp. Với định hướng phát triển của Singapore là nâng cao thu nhập của người dân, hệ thống thuế tương đối thấp để khích lệ khả năng nâng cao thu nhập và giảm tình trạng trốn, tránh, nợ thuế.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt: Thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng đối với các sản phẩm rượu và các sản phẩm thuốc lá, các sản phẩm hoá dầu và các phương tiện giao thông. Singapore đánh mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá theo phương pháp thuế tuyệt đối, là loại thuế thu một khoản tiền thuế nhất định trên mỗi đơn vị của sản phẩm như theo bao thuốc, theo trọng lượng, theo tút, theo điếu. Bên cạnh đó, Singapore áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 20% đối với xe vừa chở người, vừa chở hàng cũng giống như các dòng xe khác, không phân biệt giữa các chủng loại xe.
c) Kinh nghiệm của Trung Quốc
Để phù hợp với sự phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế, Trung Quốc có những điều chỉnh về chính sách thuế qua các năm thông qua tỷ lệ thuế suất, quy mô tính thuế, phương pháp tính thuế…
Về thuế giá trị gia tăng (VAT): Trước đây, Trung Quốc áp dụng thuế VAT đối với hàng hóa và thuế kinh doanh đối với dịch vụ. Nhưng từ ngày 1/5/2016, Trung Quốc đã thực hiện thay thế thuế kinh doanh bằng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ. Mức thuế suất VAT phổ thông của Trung Quốc là 17% cho hầu hết các hàng hóa dịch vụ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng áp dụng thuế suất 13%, 11%, 6%, 3% ưu đãi đối với một số mặt hàng khác nhau. Như: mức thuế suất 13% áp dụng đối với ngũ cốc và dầu thực vật; máy sưởi; điều hòa; gas; sách báo, tạp chí; mức thuế suất 3% áp dụng đối với một số dịch vụ xây dựng và đối tượng nộp thuế quy mô nhỏ, có hoạt động kinh doanh và hệ thống kế toán đơn giản và doanh thu dưới một ngưỡng nhất định (từ 500.000 NDT đến 5.000.000 NDT đối với các dịch vụ mới chuyển từ thuế kinh doanh sang thuế giá trị gia tăng). Các đối tượng này nộp thuế giá trị gia tăng ở mức 3% nhưng không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Trước đây, Trung Quốc có 2 loại thuế thu nhập doanh nghiệp: một loại áp dụng cho doanh nghiệp trong nước và một loại dành cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng chung cho cả hai đối tượng trên.
Trước năm 2008, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Trung Quốc là 33%. Hiện nay, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông ở Trung Quốc là 25%. Việc giảm thuế suất thuế TNDN đã góp phần tạo điều kiện cho nền kinh tế Trung Quốc phát triển, số thu thuế TNDN cũng tăng lên dẫn đến thu NSNN tăng, tạo tiềm lực tài chính quan trọng để nhà nước gia tăng đầu tư, nhờ đó chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ chỉ phải nộp thuế ở mức 5% đối với 1 triệu nhân dân tệ thu nhập tính thuế đầu tiên và 10% cho 2 triệu nhân dân tệ thu nhập tính thuế tiếp theo.
Ngoài ra, để khuyến khích sự phát triển nông nghiệp và khoa học công nghệ, Trung Quốc đã có các chính sách miễn giảm thuế TNDN đối với thu nhập của các dự án liên quan đến nông nghiệp, rừng, chăn nuôi thủy hải sản và các lĩnh vực liên quan đến phát triển khoa học công nghệ.
Về thuế thu nhập cá nhân: Thuế suất thuế thu nhập cá nhân của Trung Quốc theo mức lũy tiến từ 5% đến 45%. Trung Quốc là một trong số ít quốc gia có thuế suất thuế thu nhập cá nhân mức cao nhất lên đến 45%. Tuy nhiên, có những khoản thu nhập được miễn thuế như: các giải thưởng về thành tựu trong khoa học, giáo dục, công nghệ, văn hoá, sức khoẻ, bảo vệ môi trường được cấp bởi Chính quyền nhân dân cấp tỉnh, các Bộ và Ủy ban trực thuộc Hội đồng Nhà nước…..
Về thuế tiêu thụ đặc biệt: Đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của Trung Quốc bao gồm 14 nhóm hàng hóa: thuốc lá; đồ uống có cồn; mỹ phẩm; đồ trang sức và đá quý; pháo hoa; sản phẩm xăng dầu; lốp ô tô; xe máy; ô tô; bóng chơi gôn và dụng cụ chơi gôn; đồng hồ đeo tay cao cấp; thuyền sử dụng trong du thuyền, đũa gỗ dùng một lần; sàn gỗ. Và phương thức tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo cả 2 phương thức thuế tuyệt đối và thuế tương đối cho từng hàng hóa.
Đối với nhóm mặt hàng thuốc lá, bao gồm thuốc lá điếu, xì gà và thuốc lá sợi, Trung Quốc tính thuế theo phương pháp kết hợp thuế suất theo tỷ lệ % (thuế tương đối) và thu theo mức tuyệt đối với thuế suất 56% và 0,003 NDT/điếu; Đối với nhóm mặt hàng rượu bia, Trung Quốc cũng tính thuế theo phương pháp kết hợp tùy theo nồng độ cồn của từng loại rượu có mức thuế suất 25%, 15%, 10%, 5% và 220 NDT/tấn, 240 NDT/tấn; Đối với bia, Trung Quốc áp dụng mức thuế suất cao nhất so với các loại đồ uống có cồn và theo phương pháp tuyệt đối, mức 250 NDT/tấn; Đối với mặt hàng ô tô, thuế suất tiêu thụ của Trung Quốc tương đối thấp, trong khoảng 1% - 40%; Đối với nhóm mặt hàng xa xỉ như mỹ phẩm, trang sức, Trung Quốc áp dụng thuế suất 20% - 30%.
2. Bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam
Từ việc nghiên cứu quy mô và cơ cấu thu NSNN, những chính sách về thuế của: Thái Lan, Singapore và Trung Quốc, tác giả rút ra một số bài học giúp Việt Nam có quy mô và cơ cấu thu NSNN hợp lý như sau:
Một là, Việt Nam cần xác định tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP hợp lý
Xác định tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP ở mức hợp lý là rất quan trọng. Muốn xác định được, cần dựa vào ba yếu tố cơ bản là: (i) Thực trạng tỷ lệ thu NSNN so với GDP của nước ta thời gian qua và ảnh hưởng của nó đối với tăng trưởng kinh tế cũng như tính bền vững của nguồn thu; (ii) Xem xét tính quy luật về tỷ lệ thu ngân sách so với GDP của các nước trên thế giới để nghiên cứu áp dụng cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam; và (iii) Phạm vi cung cấp dịch vụ công của nhà nước.
Hai là, Việt Nam cần chú trọng nguồn thu nội địa để có quy mô và cơ cấu thu ngân sách nhà nước hợp lý
Hiện nay, Việt Nam đang mở cửa hội nhập ngày càng sâu và rộng với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, với nền kinh tế hiện tại, trình độ sản xuất, quản lý và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế nên dễ bị “tổn thương” trước các cú sốc bên ngoài. Do đó, chính sách tài khoá, bao gồm nhiều chính sách ưu đãi nhằm đối phó tác động của các cú sốc, thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng và “bảo vệ” doanh nghiệp trong nước đã tác động đến số thu trước mắt, dẫn đến tăng thu có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây. Ngoài ra, nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu bị giảm, các dòng thuế bằng 0 khi Việt Nam tham gia các Hiệp hội thương mại tự do, cam kết cắt giảm thuế, dẫn đến giảm thu Ngân sách nhà nước (NSNN).Vì vậy, cần có quy mô và cơ cấu thu ngân sách nhà nước hợp lý, đặc biệt chú trọng nguồn thu nội địa, phát huy vai trò nội lực của nền kinh tế.
Ba là, thực hiện chính sách thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hợp lý trong từng giai đoạn nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, vẫn rất cần vốn đầu tư quốc tế, đồng thời tăng tích lũy, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh nên sẽ tiếp tục có những biện pháp nhằm thu hút vốn đầu tư, do đó, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn được ưu tiên. Với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 20%, được coi phù hợp với thực tế thời gian qua. Vì vậy cần giữ mức thuế suất thuế TNDN phổ thông 20% ổn định đến hết năm 2025. Tuy nhiên, mức thuế suất của một số quốc gia trong khu vực đã áp dụng thấp hơn so với mức thuế suất đang áp dụng của Việt Nam (Singapore 17%). Do đó, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì mức thuế suất 20% giai đoạn từ 2025 – 2030 sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh trong quá trình thu hút vốn đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới cần phải được xem xét lại cho phù hợp với tình hình kinh tế khi Việt Nam về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhằm tăng khả năng thu hút nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn.
Bốn là, mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Cần mở rộng đối tượng chịu thuế đối với một số mặt hàng mà Singapore đã áp dụng như: đồ uống như rượu bia, nước ngọt có ga không cồn, một số loại sản phẩm điện tử, sản phẩm pin, thủy tinh và pha lê, mô tô, xe vận hành trên mặt nước, nước hoa và mỹ phẩm, đá granit và marble …hay các mặt hàng Trung Quốc đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt: mỹ phẩm; đồ trang sức và đá quý; pháo hoa bóng chơi gôn và dụng cụ chơi gôn; đồng hồ đeo tay cao cấp; thuyền sử dụng trong du thuyền, đũa gỗ dùng một lần; sàn gỗ….Ngoài ra, Việt Nam cần nâng thuế suất đối với rượu bia, thuốc lá. Hiện tại rượu bia, thuốc lá là mặt hàng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng đang ở mức rất thấp so với Thái Lan (Thái Lan tính thuế suất cao và áp dụng phương pháp hỗn hợp với mức 87% cộng với 0,03 USD/gram).
Năm là, thu hẹp đối tượng không chịu thuế VAT
Cần thu hẹp đối tượng không chịu thuế để mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo tính liên hoàn; đến năm 2025 còn khoảng 20 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT; đến năm 2030 còn khoảng 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT; thu hẹp dần đối tượng áp dụng thuế suất 5% vào năm 2025 để đến năm 2030 áp dụng cơ chế một mức thuế suất ngoài mức thuế suất 0%. Ngoài ra, Việt Nam nên xác định một mức thuế suất để dễ quản lý, đảm bảo tính thống nhất trong quá trình tính thuế, tránh nhầm lẫn và hiểu sai về thuế suất từng mặt hàng (Thái Lan và Singapore đang áp dụng mức thuế suất là 7% chung cho tất cả các mặt hàng).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. OECD (2020), “Revenue Statistics 2020”
2. World Economic Outlook Database, April 2021 (imf.org) https://www.imf.org/en/Publications/WEO/weo-database/2021/April
ThS. Nguyễn Thị Hoa
Trường Đại học Tài chính – Marketing