Nghiên cứu

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Thống nhất về cách hiểu khi sử dụng hóa đơn thương mại trong áp dụng các quy định về xuất xứ hàng hóa theo các FTA của Việt Nam

5:00 | 18/12/2013

Trong những năm qua với việc hội nhập sâu hơn vào hoạt động thương mại quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia đàm phán và ký kết nhiều hiệp định khu vực thương mại tự do FTA với rất nhiều đối tác thương mại.Mục đích chủ yếu mà các FTA này hướng tới đó là tạo ra một khu vực thương mại mà ở đó các hàng rào thuế quan và phi thuế quan được rỡ bỏ để thúc đẩy hoạt động thương mại và phát triển kinh kế của các nước thành viên FTA.Tính đến nay Việt Nam đã tham gia cùng với các nước ASEAN ký kết triển khai thực hiện các hiệp định FTA lớn đó là:  Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN-Ấn Độ (AIFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-ÚC-NIU-DI-LÂN(AANZFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chi lê.Đi kèm với các hiệp định này luôn có một bộ quy tắc xuất xứ hàng hoá tương ứng nhằm giúp cho việc xác định chính xác xuất xứ hàng hoá từ các nước thành viên FTA sẽ được hưởng những ưu đãi theo quy định của hiệp định so với hàng hoá từ những nước không phải thành viên.Tuy nhiên, với việc áp dụng cùng lúc nhiều quy tắc xuất xứ hàng hoá khác nhau như vậy ở Việt Nam đã dẫn tới tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận và hiểu chính xác những quy định trong các bộ quy tắc xuất xứ hàng hoá để áp dụng.Một trong những quy định gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp đó là quy định về sử dụng hoá đơn thương mại phát hành bởi nước thứ ba .Trong khuôn khổ bài viết này tác giả sẽ đi sâu vào phân tích những điểm cơ bản và những khác biệt của quy định này trong các bộ quy tắc xuất xứ theo các FTA giúp cho việc áp dụng thuận lợi hơn.

Khi xem xét về Quy định về hoá đơn thương mại phát hành bởi nước thứ ba trong trong bộ quy tắc xuất xứ thì trước tiên đối với quy tắc xuất xứ ASEAN ban hành kèm theo thông tư 21/2010/TT-BCT ngày 17/05/2010 điều này đã được chỉ rõ tại điều 23 phụ lục 7 : “ Điều 23.Hoá đơn do nước thứ ba phát hành :

1.Cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu phải chấp nhận C/O trong trường hợp hoá đơn bán hàng được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại một nước thứ ba không phải là Nước thành viên hoặc bởi nhà xuất khẩu ASEAN đại diện cho công ty đó miễn là hàng hoá đáp ứng các quy định về xuất xứ nêu tại phụ lục 1.

2.Người xuất khẩu sẽ đánh dấu vào ô “Third country invoicing” và ghi các thông tin như tên và nước của công ty phát hành hoá đơn trên C/O.”

Như vậy theo quy định này đã chỉ rõ hoá đơn do nước thứ ba phát hành ở đây là hoá đơn do công ty có trụ sở tại nước không phải là thành viên  hiệp định ATIGA (không thuộc 10 nước thành viên ASEAN) hoặc do một nhà xuất khẩu có trụ sở đặt tại các nước thành viên ASEAN là đại diện cho công ty đó phát hành ra.Trường hợp hóa đơn do một công ty của ASEAN cấp (công ty này không phải là nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu) có trụ sở ở cùng hoặc khác quốc gia với quốc gia của nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu đặt trụ sở cũng được hiểu là trường hợp hóa đơn nước thứ ba.

Khi đó để đảm bảo C/O mẫu D xuất trình cho cơ quan hải quan được coi là hợp lệ và được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định của hiệp định ATIGA thì theo quy định tại mục 10 mặt sau C/O quy định trên C/O mẫu D tại ô số 13 phải đánh dấu tích vào ô “Third country invoicing” và ghi các thông tin như tên và nước của công ty phát hành hoá đơn trên C/O tại ô số 7.Tuy nhiên ô số 7 là phần dành cho khai báo và mô tả về hàng hoá nên việc ghi thông tin về tên nước và doanh nghiệp phát hành hoá đơn  có thể thấy quy định này chưa thật sự hợp lý.

Đối với quy tắc xuất xứ ASEAN - Trung Quốc ban hành kèm theo Thông tư 36/2010/TT-BCT ngày 15/11/2010 của Bộ Công Thương thì được chỉ rõ tại Điều 23 Phụ lục 2: "Điều 23.Cơ quan Hải quan bên nhập khẩu phải chấp nhận C/O mẫu E trong trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi một cơ quan có trụ sở tại một nước thứ ba hoặc bởi nhà xuất khẩu ACFTA đại diện cho Công ty đó miễn là hàng hóa đáp ứng các quy định về xuất xứ trong phụ lục I Quyết định số 12/2007/QĐ-BTM. Số hóa đơn bên thứ ba phải được ghi trên Ô số 10 của C/O mẫu E. Nhà xuất khẩu và người nhận hàng phải có trụ sở đặt tại các Bên tham gia Hiệp định, bản sao của hóa đơn bên thứ ba phải nộp cùng với C/O mẫu E cho cơ quan Hải quan bên nhập khẩu"

Như vậy, khác với  thuật ngữ trên C/O mẫu D là “Third country invoicing” -Hoá đơn nước thứ ba” thì ở C/O mẫu E sử dụng thuật ngữ "Third Party Invoicing”-Hóa đơn Bên thứ ba” .Theo đó có thể hiểu “Hóa đơn Bên thứ ba” ở đây là hóa đơn thương mại được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại một Nước thứ ba (trong hoặc ngoài ACFTA) hoặc bởi một nhà xuất khẩu có trụ sở đặt tại các Bên tham gia Hiệp định ACFTA là đại diện cho công ty đó. Nước thứ ba là nước hoặc vùng lãnh thổ phát hành hóa đơn mà không phải là nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hay nhập khẩu.Việc chỉ hiểu đây là hóa đơn do bên thứ ba ban hành là chưa đầy đủ và chính xác.

Để đảm bảo C/O mẫu E nộp cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu được chấp nhận là hợp lệ để hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt theo hiệp định ACFTA thì theo quy định được chỉ ra tại mục 10 mặt sau mẫu C/O E ban hành theo Thông tư 36/2010/TT-BCT ngày 15/11/2010 quy định: "Trường hợp hóa đơn phát hành tại Bên thứ ba theo quy định tại Điều 23, Phụ lục 2 thì đánh dấu vào ô "Third Party Invoicing", số hóa đơn phải được ghi rõ tại Ô số 10, tên công ty phát hành hóa đơn và tên Nước mà Công ty này đặt trụ sở tại Nước đó phải được ghi rõ tại Ô số 7".

Cách hiểu về nước thứ ba như trên cũng phù hợp với cách hiểu quy định tại khoản 13 điều 1 Phụ lục 1 quy tắc xuất xứ AK ban hành kèm theo Quyết định 02/2007/QĐ-BTM Về việc ban hành Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu AK ngày  08 tháng 01  năm 2007 theo đó “Nước thứ ba”được định nghĩa là nước không phải là thành viên hoặc là nước thành viên, nhưng không phải là nước nhập khẩu  hay nước xuất khẩu và cụm từ “các nước thứ ba” cũng được hiểu với nghĩa tương tự.Đồng thời quy định về sử dụng hoá đơn thương mại được phát hành bởi nước thứ ba được chỉ rõ tại điều 21 Phụ lục V Quy chế cấp C/O Mẫu AK :“ Cơ quan Hải quan nước nhập khẩu có thể chấp nhận C/O trong trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi một công ty đặt tại nước thứ ba hoặc bởi nhà xuất khẩu thay mặt cho công ty đó miễn là hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ quy định tại Phụ lục I.”

Tuy nhiên khác với các quy tắc xuất xứ trên thì tại quy chế xuất xứ mẫu AK quy định rõ đánh dấu (√) ô tương ứng đối với trường hợp “Third-Country Invoicing” tại Ô số 13.Đồng thời Người xuất khẩu hàng hóa phải ghi rõ từ “ hoá đơn phát hành bởi nước thứ ba” (“third country invoicing”) và các thông tin như : tên và nước của công ty phát hành hóa đơn, Số và ngày của hoá đơn thương mại trên tờ C/O tại ô số 10.

Đối với Quy chế cấp C/O Mẫu AJ ban hành theo quyết định 44/2008/QĐ-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2008 thì quy định này lại được ghi rõ và mở rộng hơn theo đó tại Ô số 13:  Đánh dấu (√) bằng viết tay hoặc bằng máy tính vào ô “Third Country Invoicing” (Hóa đơn do nước thứ ba phát hành) trong trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi nước thứ ba. Số của hóa đơn cấp cho hàng hóa nhập khẩu vào nước thành viên nhập khẩu được ghi tại ô số 10. Tên đầy đủ và địa chỉ của công ty hoặc người phát hành hóa đơn được ghi vào ô số 7. Trong trường hợp ngoại lệ hóa đơn thương mại được phát hành bởi nước thứ ba không sẵn có vào thời điểm cấp C/O, số và ngày của hóa đơn do người xuất khẩu (được cấp C/O) phát hành được ghi vào ô số 10. Ô “Third Country Invoicing” thuộc ô số 13 được đánh dấu (√), và ô số 7 được ghi nội dung: hàng hóa xuất khẩu sẽ được cấp một hóa đơn khác do nước thứ ba phát hành cho mục đích nhập khẩu vào nước thành viên nhập khẩu. Ô số 7 cũng được ghi tên và địa chỉ đầy đủ của công ty hoặc người sẽ phát hành hóa đơn  nước thứ ba. Trong trường hợp này, cơ quan Hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp các hóa đơn và các chứng từ có liên quan khác có nội dung xác nhận giao dịch giữa nước thành viên xuất khẩu và nước thành viên nhập khẩu, đối với hàng hóa được khai báo nhập khẩu.

Cũng mở rộng quy định ghi như vậy thì tại Quy tắc xuất xứ mẫu VJ trong Hiệp định giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác Kinh tế lại quy định Ô số 7: ghi số và ngày của hoá đơn thương mại. Hoá đơn phải là hoá đơn được cấp cho lô hàng nhập khẩu vào nước thành viên nhập khẩu. Trong trường hợp hoá đơn do một công ty không phải là nhà xuất khẩu phát hành và công ty phát hành hoá đơn không có trụ sở tại Việt Nam hoặc Nhật Bản, người khai cần ghi vào ô số 8 dòng chữ hoá đơn được phát hành bởi một nước thứ ba, trong đó ghi tên giao dịch pháp lý và địa chỉ của công ty đã phát hành hoá đơn đó.  Trong trường hợp ngoại lệ, số của hóa đơn thương mại được phát hành bởi nước thứ ba không được biết vào thời điểm cấp C/O, số và ngày của hóa đơn do người xuất khẩu (được cấp C/O) phát hành được ghi vào ô số 7, và cần ghi vào ô số 8 với nội dung hàng hoá sẽ có hoá đơn khác do nước thứ ba cấp cho lô hàng nhập khẩu vào nước thành viên nhập khẩu, đồng thời ghi cụ thể tên giao dịch pháp lý và địa chỉ của công ty sẽ phát hành hoá đơn đó. Trong trường hợp này, cơ quan Hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp các hóa đơn và các chứng từ có liên quan khác có nội dung xác nhận giao dịch giữa nước thành viên xuất khẩu và nước thành viên nhập khẩu, đối với hàng hóa được khai báo nhập khẩu.

Điều 22, Phụ lục 3, Thông tư số 33/2009/TT-BCT của Bộ Công thương thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định ASEAN-Úc, Niu Di lân (gọi tắt là Hiệp định AANZ) quy định:“ Cơ quan Hải quan nước nhập khẩu có thể chấp nhận C/O trong trường hợp hóa đơn bán hàng được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại một nước thứ ba hoặc bởi nhà xuất khẩu đại diện cho công ty đó miễn là hàng hóa đáp ứng các quy định của Phụ lục 1”.

Theo hướng dẫn của Bộ Công thương tại văn bản số 7600/BCT-XNK ngày 20/8/2012 thì: “Third party invoice” (hóa đơn bên thứ ba) được hiểu là hóa đơn được phát hành bởi một công ty có trụ sở ở  một nước thứ ba chứ không phải là hóa đơn do bên thứ ba ban hành. Trường hợp hóa đơn do bên thứ ba phát hành nhưng công ty này có trụ sở tại cùng một trong hai nước xuất khẩu và nhập khẩu thì điều khoản về hóa đơn nước thứ ba không áp dụng.

Đánh dấu √ vào ô “Subject of third-party invoice” trong trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại một nước thứ ba hoặc bởi nhà xuất khẩu đại diện cho công ty đó theo quy định tại Điều 22 của Phụ lục 3. Số của hóa đơn do nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu phát hành và số của hóa đơn (nếu biết được) do thương nhân phát hành cho việc nhập khẩu vào nước nhập khẩu cần được ghi trong Ô số 10.

Đối với Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (Ban hành kèm theo Thông tư số 15 /2010/TT-BCT ngày 15  tháng 4  năm 2010 của Bộ Công Thương tại Phụ lục 6 quy định trên mẫu AI tại ô 13 đánh dấu √ vào ô “Third-party invoicing” trong trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại một nước thứ ba hoặc bởi nhà xuất khẩu đại diện cho công ty đó theo quy định .Tên và nước nơi công ty phát hành hóa đơn đặt trụ sở cần được ghi trong Ô số 7.Tuy nhiên, sự khác biệt về cách gọi và vị trí ô đánh dấu với các quy tắc khác lại thể hiện trong Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định khu vực thương mại tự do Việt Nam - Chi Lê ban hành kèm theo Thông tư số 31/2013/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Bộ Công Thương tại tại phụ lục 5 quy định Ô số 11 mẫu AC: ghi số và ngày của hóa đơn thương mại. Hóa đơn này là hóa đơn áp dụng cho việc nhập khẩu vào nước nhập khẩu. Trường hợp hóa đơn được cấp bởi nước thứ ba, thương nhân phải đánh dấu √ vào ô “Non-Party Invoicing” tại ô số 5. Số của hóa đơn cấp cho việc nhập khẩu vào nước nhập khẩu phải được ghi trên ô số 11. Tên và địa chỉ của công ty hoặc của cá nhân đã phát hành hóa đơn này phải được ghi tại ô số 8. Trường hợp không biết số hóa đơn do nước thứ ba cấp tại thời điểm cấp C/O, ô số 11 có thể được để trống.

Như vâỵ, mặc dù có những điểm khác biệt trong quy định về sử dụng hoá đơn thương mại trong áp dụng quy tắc xuất xứ đối với hàng hoá tại các bộ quy tắc xuất xứ tuy nhiên điểm chung là các quy tắc đều nhấn mạnh cơ quan hải quan nước nhập khẩu phải chấp nhận trường hợp này vì nó là một hoạt động mua bán phổ biến theo thông lệ quốc tế và chỉ yêu cầu kiểm tra các điều kiện tuân thủ về xuất xứ trên bản C/O cần phải chỉ rõ trường hợp hoá đơn thương mại phát hành bởi nước thứ ba cần đánh dấu √ vào ô “Third-party invoicing” với mẫu C/O E, AI, hoặc “Third country invoicing” với mẫu C/O D,AK,AJ,VJ  hoặc “Subject of third-party invoice” với mẫu C/O AANZ hoặc “Non-Party Invoicing” với mẫu AC. Đồng thời với đó là số và ngày của hóa đơn thương mại phải được tại ô số 10 trên C/O, còn tên đầy đủ và địa chỉ của công ty hoặc của cá nhân đã phát hành hóa đơn gắn với tên nước nơi đặt trụ sở phải được thể hiện trên C/O phù hợp trùng với thông tin trên hoá đơn thương mại được nộp kèm với bộ hồ sơ hải quan tại ô số 7 với mẫu AJ,AI, AANZ,D,E. Các mẫu còn lại có sự khác biệt đó là đối với mẫu VJ thì số và ngày của hoá đơn thương mại được ghi vào ô số 7. Trong trường hợp hoá đơn do một công ty không phải là nhà xuất khẩu phát hành và công ty phát hành hoá đơn không có trụ sở tại Việt Nam hoặc Nhật Bản, người khai cần ghi vào ô số 8 dòng chữ hoá đơn được phát hành bởi một nước thứ ba, trong đó ghi tên giao dịch pháp lý và địa chỉ của công ty đã phát hành hoá đơn đó.  Đối với mẫu AK thì hoá đơn phát hành bởi nước thứ ba” (“third country invoicing”) và các thông tin như : tên và nước của công ty phát hành hóa đơn, số và ngày của hoá đơn thương mại trên tờ C/O tại ô số 10.Đối với mẫu AC thì số của hóa đơn cấp cho việc nhập khẩu vào nước nhập khẩu phải được ghi trên ô số 11. Tên và địa chỉ của công ty hoặc của cá nhân đã phát hành hóa đơn này phải được ghi tại ô số 8.

Với việc nắm bắt rõ các quy định liên quan đến hoá đơn thương mại sử dụng trong các bộ quy tắc xuất xứ hàng hoá và tuân thủ một cách đẩy đủ như trên sẽ tránh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá khỏi những rủi ro khi C/O bị từ chối không hợp lệ gây thiệt hại.

 

Ths.Nguyễn Hoàng Tuấn-Học viện Tài chính

undefined