chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Xác định ưu tiên cụm ngành của công nghiệp hỗ trợ để phát triển ở TP.HCM đến năm 2015, tầm nhìn 2025
12:00 | 15/07/2014
Trong những năm gần đây, việc đánh giá năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp của địa phương và vùng đang trở thành vấn đề được quan tâm sâu rộng. Khá nhiều mô hình đã được xây dựng với mục đích giải thích năng lực cạnh tranh của một ngành trong mối tương quan khu vực và thế giới.
Hai trong số các lý thuyết nổi bật về phát triển ngành công nghiệp là lý thuyết về cụm ngành và năng lực cạnh tranh. Bởi, cụm ngành phản ánh tác động của các liên kết và tác động lan tỏa giữa các doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan trong cạnh tranh. Phát triển ngành công nghiệp theo hướng cụm ngành sẽ giúp tăng năng suất; giảm tốn thất xã hội; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa và hình thành các doanh nghiệp mới. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh được đo lường bằng năng suất sử dụng lao động, vốn và tài nguyên thiên nhiên. Năng suất là nhân tố quyết định quan trọng nhất của mức sống bền vững và sự thịnh vượng của địa phương.
Vì vậy, xác định và đánh giá yếu tố cố lõi quyết định năng lực cạnh tranh của địa phương có thể sẽ là công cụ quan trọng giúp địa phương có những lựa chọn cho sự phát triển công nghiệp trong tương lai trong giới hạn nguồn lực công và đưa sản phẩm công nghiệp của vùng lãnh thổ có thể cạnh tranh với các nước trên thế giới. Với hướng tiếp cận này, California đã mang lại sản phẩm rượu vang nổi tiếng, Phần Lan được cả thế giới biết đến với Nokia, cụm ngành công nghệ điện tử và công nghệ thông tin ở Costa Rica, thung lũng Silicon ở Valley (Hoa Kỳ)...
Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Số liệu báo cáo của Tổng Cục Thống kê cho thấy trong nhiều năm qua, công nghiệp trên địa bàn TP.HCM phát triển nhanh so với các thành phố hạt nhân khác, đóng góp trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước và hơn 35% vào tổng sản phẩm vùng (GDRP). Báo cáo Cục Thống kê TP.HCM về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, nhóm hàng công nghiệp đóng góp 65,8% giá trị xuất khẩu của thành phố. Công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc có thể giúp TP.HCM vượt qua thử thách, tiếp tục là một cực tăng trưởng nhanh, ổn định theo hướng hiệu quả trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thêm vào đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ là động lực để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thành các doanh nghiệp vệ tinh cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn trong tương lai.
Với quan điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đã được thông qua vào tháng 7/2007. TP.HCM xác định mục tiêu định hướng công nghiệp thời kỳ tới là vừa củng cố các ngành công nghiệp truyền thống theo hướng tăng tỷ trọng giá trị gia tăng, vừa tập trung hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp sang các sản phẩm và ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ lớn, tăng tỷ trọng hàng công nghệp xuất khẩu và giá trị xuất khẩu. Sở Công thương TP.HCM đã soạn thảo Dự thảo “Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” vào tháng 4/2013. Theo dự thảo này, TP.HCM xác định hướng quy hoạch sơ bộ 5 nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ gồm: Thiết bị điện - điện tử (ưu tiên phát triển); Cơ khí - gia công (khuyến khích phát triển); Sản xuất lắp ráp ô tô (TP dành ưu tiên cao nhất); Dệt - may (chuyển dịch ra khỏi TP); Da - giày (chuyển dịch ra khỏi TP).
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra rằng, TP.HCM có bị lãng phí nguồn lực khi dành ưu tiên cao nhất cho ngành sản xuất lắp ráp ô tô trong định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ không? Bởi:
Ngành sản xuất lắp ráp ô tô là ngành yêu cầu lao động có trình độ cao, chuyên môn hóa sâu. Dù là nơi tập trung các trường đại học chuyên ngành lớn và duy nhất cả nước cũng như thu hút lao động trí thức ở lại, nhưng hiện TP.HCM chỉ đáp ứng được 18,4% nhu cầu lao động của ngành có trình độ Đại học trở lên cho ngành sản xuất lắp ráp ô tô. Một khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, việc cắt giảm thuế quan về 0% sẽ sớm hơn cả việc thành phố có đủ nguồn nhân lực đạt yêu cầu cung ứng cho ngành này.
Biểu đồ: Tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ nội địa hóa một số ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở TP.HCM
Nguồn số liệu: Sở Công thương TP.HCM
Thêm vào đó, ngành công nghiệp ô tô sau 20 năm phát triển vẫn “non trẻ”, vẫn chỉ dừng lại ở các công đoạn giản đơn là chỗ ngồi, pin, hàn, tẩy rửa sơn và lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa rất thấp ~ 10%. Với lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết, tốc độ tăng trưởng sản lượng bán ra của xe lắp ráp trong nước có xu hướng chậm hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc. Theo VAMA cho biết, năm 2013, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 18% trong khi xe nhập khẩu tăng 23% so với cùng kì năm 2012.
Quan trọng hơn việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải làm tăng giá thành xe sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa của xe được sản xuất lắp ráp trong nước với chính xe nhập khẩu.
Nên chăng TP.HCM cần hướng ưu tiên vào nhóm ngành điện - điện tử và công nghệ thông tin thay vì ưu tiên phát triển ngành sản xuất lắp ráp ô tô? Đến nay, chưa có một báo cáo nghiên cứu năng lực cạnh tranh của TP.HCM cũng như xác định được thứ tự ưu tiên nhóm ngành công nghiệp để phát triển trong trung và dài hạn một cách khoa học ngoài dự thảo của Sở Công thương. Trong khi đó, bất ổn kinh tế vĩ mô từ năm 2007 đến nay tại Việt Nam ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn lực của TP.HCM đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại các thứ tự ưu tiên đầu tư nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực công, giúp các doanh nghiệp vượt qua được thách thức và tận dụng cơ hội khi Việt Nam gia nhập TPP, FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết, hay AEC có hiệu lực.
Th.S Nguyễn Tuấn Tú