Nghiên cứu

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Xóa ký ức của con người không còn là điều viễn tưởng

12:00 | 04/04/2014

Xóa đi ký ức cũng là một điều thường thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, nổi bật là "Eternal Sunshine of the Spotless Mind" năm 2004. Tuy nhiên theo nhà thần kinh học Joseph LeDoux của đại học New York, việc có thể xóa hoàn toàn một ký ức nào đó của con người không hẳn là viễn tưởng.

Ảnh minh họa.

Các nghiên cứu trên chuột của LeDoux đã cho thấy khả năng xóa đi những ký ức như kết thúc một cuộc tình lãng mạn (giống như trong bộ phim nói trên) có thể thực hiện được trên người.

"Những gì diễn ra trong bộ phim rõ ràng là bất khả thi. Nhưng nó cũng không hẳn quá xa vời như chúng ta vẫn nghĩ," LeDoux chia sẻ.

Trong bộ phim, hai nhân vật Joel (Jim Carrey) và Clementine (Kate Winslet) là một cặp đôi đã chia tay, và Clementine đã quyết định trải qua một quy trình xóa đi ký ức về Joel. Khi biết được điều này, Joel cũng quyết định thực hiện quy trình đó, nhưng nó lại không có hiệu quả hoàn toàn với anh, và tâm trí Joel rơi vào tình trạng rối loạn trong khi anh phải cố gắng bảo vệ những ký ức về Clementine.

Các ký ức được thể hiện trong phim như ký ức của Joel lúc gặp Clementine trên bãi biển là một dạng của ký ức có ý thức. Một vùng não gọi là hippocampus ở thùy thái dương tập hợp các ký ức ngắn hạn thành ký ức có ý thức dài hạn.

Ngược lại, nghiên cứu của LeDoux lại tìm cách xóa những ký ức không ý thức. Amygdala, một vùng não khác nằm sâu trong thùy thái dương xử lý các ký ức để đáp lại những kích thích cụ thể, như tạo ra cảm giác sợ hãi trước một sự đe dọa.

LeDoux cho biết, muốn làm việc với ký ức, trước hết phải hiểu rằng ký ức không phải là những ghi chép chính xác mà chúng ta có thể tìm kiếm lại. Mỗi lần chúng ta nhớ lại một điều gì đó, chúng ta lại tái cấu trúc điều đó, cho nên ký ức của chúng ta về một sự kiện chỉ giống như lần cuối cùng chúng ta nghĩ về nó. Khi ký ức được tái cấu trúc, các tế bào thần kinh cũng hoạt động và sản xuất ra protein giúp duy trì sự kết nối giữa các tế bào trong não.

Năm 2000, một nghiên cứu sinh sau tiến sỹ của LeDoux là Karim Nader đã tiến hành một thí nghiệm, trong đó sử dụng một con chuột từng trải nghiệm sự sợ hãi và sau đó tiêm cho nó một liều thuốc ngăn hoạt động tổng hợp protein của não. Sau đó, ký ức không ý thức của con chuột về trải nghiệm sợ hãi kia đã bị xóa bỏ. Con chuột vẫn giữ ký ức có ý thức về trải nghiệm sợ hãi nhưng nó không còn phản ứng cảm xúc về sự sợ hãi đó nữa.

Những gì diễn ra trong phim “Eternal Sunshine” lại ngược lại. Các nhân vật mất đi ký ức có ý thức của mình về nhau nhưng vẫn giữ lại mối liên hệ cảm xúc. Khả năng xóa đi ký ức có ý thức của con người vẫn cần một chặng đường dài trước khi có thể thực hiện, nhưng ngoài nghiên cứu của LeDoux, các nhà nghiên cứu khác cũng đã thử nghiệm việc cấy ký ức vào não chuột, hoặc tạo ra ký ức giả.

Trên tất cả, điều mà chúng ta rút ra được cũng như điều bộ phim đề cập chính là tầm quan trọng của ký ức đối với con người. Như LeDoux nói: “Ký ức làm nên con người của chúng ta."

Theo TTXVN

undefined