Nghiên cứu

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Xuất nhập vàng cần một giải pháp căn cơ

8:20 | 26/10/2011

Xuất phát từ góc nhìn và những kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trên thị trường vàng Việt Nam của tác giả, bài phân tích chuyên sâu dưới đây của ThS. Trần Trọng Quốc Khanh hướng đến việc xây dựng một bức tranh toàn cảnh và đa chiều về thực trạng xuất nhập vàng tồn tại lâu nay tại Việt Nam, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị trong dài hạn.

Những ngày đầu tháng 8 này, giá vàng thế giới nổi cơn sóng cồn dồn dập (vượt hơn 1.813 USD/ounce ngày 11/8/2011) kéo theo giá vàng trong nước tăng vọt hơn 46 triệu đồng/lượng đạt vào ngày 8/8. Sự không liên thông giữa hai thị trường trong và ngoài nước có lúc đã đẩy giá trong nước cao hơn giá thế giới tới 2 triệu đồng/lượng, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu vàng để can thiệp ứng phó.

Trong một chiều hướng khác, thời gian vừa qua, việc tái xuất khẩu vàng, vốn đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể, góp phần giảm nhập siêu và giải phóng tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, chưa được đa số nhìn nhận là yếu tố tích cực. Phải chăng do mối lo ngại xuất khẩu vàng sẽ làm giảm nguồn vàng nên muốn giữ lại vàng trong dân, trong khi về mặt chủ trương luôn muốn chống tình trạng “vàng hóa”, tức không khuyến khích giữ vàng trong dân? Cần giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?

1. Vàng xuất khẩu phần lớn lấy từ dân
Có ý kiến lo ngại rằng việc tái xuất khẩu vàng sẽ làm giảm nguồn vàng dự trữ trong nước. Thực chất, lượng vàng xuất khẩu phần lớn đều lấy từ nguồn dự trữ trong dân, nhờ người dân biết tích cốc phòng cơ và bỏ công sức gầy dựng trong hàng chục năm qua, không xuất phát từ nguồn dự trữ của Nhà nước. Vì vậy, người thực sự lo lắng trước tiên phải là người dân khi giảm lượng vàng nắm giữ, rồi sau đó mới đến Nhà nước (nếu có).
Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích của người dân và lợi ích của Nhà nước, hãy gộp chung hai lợi ích này thành lợi ích quốc gia để nhận định vấn đề tái xuất khẩu vàng một cách khách quan và logic.

1.1. Việt Nam có bao nhiêu vàng dự trữ để có thể tái xuất khẩu?
Cho đến nay, chưa có cơ quan quản lý nào công bố số liệu thống kê chính thức. Trong khi đó, từ nhiều năm qua, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đã đưa ra số liệu ước tính vàng dự trữ của dân Việt Nam ít nhất là 500 tấn, khoảng 27 tỷ USD.
Sự kiểm chứng kim ngạch xuất nhập khẩu vàng trong gần 3 năm vừa qua và tình hình huy động vàng sẽ làm sáng tỏ số liệu hợp lý của WGC. Cụ thể, Việt Nam đã xuất siêu vàng như sau: 75 tấn (2009), 66 tấn (2010) và khoảng 30 tấn (7 tháng đầu năm 2011), mang về tổng cộng gần 7,1 tỷ USD. Vậy trong gần 3 năm qua, con số xuất siêu vàng tích lũy của Việt Nam đạt 171 tấn.
Số dư huy động vàng tại các ngân hàng trên địa bàn Tp.HCM nói riêng đạt khoảng 91 tấn vàng tính đến cuối tháng 6/2011 (chưa kể huy động vàng tại Hà Nội và các địa bàn khác). Lấy số dự trữ 500 tấn vàng trừ đi các con số xuất siêu và huy động, đâu đó còn khoảng 238 tấn (= 500 - 171 - 91) đang “bèo dạt mây trôi” trong dân.
Con số dôi dư này cũng có cơ sở, vì trong hàng chục năm qua một khối lượng vàng lớn đã đi vào Việt Nam bằng con đường phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước. Số liệu xuất siêu vàng nói trên cho thấy vàng dự trữ trong dân là có thực và có thể vẫn còn nhiều. Việc WGC nghiên cứu và ước tính được số vàng dự trữ trong dân hơn chúng ta là điều rất đáng suy nghĩ.

1.2. Vì sao phát sinh nhu cầu xuất khẩu vàng?
Khi giá thế giới tăng mạnh nhưng giá trong nước tăng không kịp hoặc giá thế giới giảm nhẹ nhưng giá trong nước giảm mạnh hơn, sự lệnh pha giá sẽ xảy ra theo hướng giá trong nước thấp hơn giá thế giới. Người dân/nhà đầu tư đã mua vàng ở mức thấp, nay thấy giá lên đến một mức kỳ vọng nào đó sẽ bán chốt lời thu hồi vốn tiền đồng và tạm thời rút khỏi thị trường vàng, ví dụ như ngưỡng tâm lý 39-40 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 7/2011.

undefined